Tác giả Ngô Hòa Bình: “Tôi viết ‘Hoa mía’ như một lời cảm ơn tới quê hương”

Việt Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nghề nghiệp chính là giáo viên nhưng tác giả Ngô Hòa Bình, tên thật là Ngô Quỳnh Liên, sinh năm 1978 vẫn có niềm đam mê với văn học. Tham gia cuộc thi sáng tác “Làng Việt thời hội nhập” với tác phẩm “Hoa mía”, tác giả Ngô Hòa Bình đã mang tới một câu chuyện đậm tình người. Câu chuyện được đánh giá có chất văn điển hình của truyện ngắn và được Hội đồng chung khảo cuộc thi chọn trao giải vào ngày 26/5 tới đây.

Tác giả Ngô Hòa Bình 

Chào chị, chị có thể chia sẻ đôi điều về cảm xúc của mình khi tham dự và có truyện ngắn được chọn lựa vào vòng Chung khảo cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”?

Đây là lần đâu tiên tôi tham dự một cuộc thi viết văn trên báo, bởi vậy tôi rất vui mừng khi biết tác phẩm dự thi của mình đã lọt vào vòng Chung khảo cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”.

Cơ duyên nào khiến chị biết tới cuộc thi, chị có mất nhiều thời gian để quyết định tham dự cuộc thi này hay không?

Trong một lần ngồi cà phê với anh Bùi Tuấn đạo diễn phim tài liệu (đài THVN), biết tôi hay làm thơ và viết truyện ngắn nên anh ấy có nói cho biết bên báo Dân Việt đang tổ chức thi viết  và động viên tôi tham gia. Anh Tuấn còn đùa “giải thưởng to bằng  cái ô tô đấy, em kiếm cái xe đi đi”, hai anh em cùng cười. Sau đó tôi có vào trang danviet.vn để tìm hiểu về thể lệ cuộc thi và quyết định tham gia.

Hoa nở báo hiệu cho nhiều điều tươi đẹp đã tới, thế nhưng hoa mía lại báo hiệu cho nỗi buồn của người nông dân, bông hoa tươi đẹp bỗng nhiên lại khắc họa hình ảnh cực khổ của người nông dân. Do đâu chị đã chọn lựa viết về đề tài này? Bông Hoa mía có gắn liền với tuổi thơ hay một mảnh đời nào đó mà chị biết hay không?

Nhà báo đoán không sai, tôi sinh ra ở vùng đất trồng mía. Tuổi thơ tôi  gắn liền với cây mía, cũng nhờ đó tôi thấu hiểu nỗi niềm của người nông dân. Cây mía cũng giống như những cây trồng khác không những phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, người nông dân quê tôi luôn nơm nớp nỗi lo khi mùa xuân đi qua mía vẫn chưa được bán. Bão, hạn, thiên tai chỉ mất đi phần nào vườn mía, nhưng  mía ra hoa chính là lúc người nông dân mất trắng. Tôi đã từng chứng kiến cảnh bố tôi tự tay đốt đi vườn mía của mình chỉ vì nó… nở hoa. Hoa mía ám ảnh cả tuổi thơ tôi.

Ảnh minh họa tác phẩm "Hoa mía"

Trong câu chuyện, dù ngắn nhưng có đầy đủ sự mất mát (cái chết của Tuấn, của Tre), đâm chồi tình cảm chân thành của Măng và chú Thạc, tình cảm trong sáng như thiên thần của Đoan và Thạc, người đọc dường như trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Mối quan hệ giữa được và mất, cái ra đi và cái còn lại luôn đan xen, gắn bó và khắc họa rõ nét hơn chân dung người nông dân trong thời đại mới. Chị có sự đồng cảm, xót xa cho thân phận những người nông dân chân lấm tay bùn, đối chọi với sự phát triển vũ bão của xã hội?

Tôi nghĩ nước ta  đi lên từ nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp. trong quá trình CNH- HĐH đất nước , nhất là trong thời kỳ hội nhập nông nghiệp nước ta đang dần chuyển mình mạnh mẽ. Qua tác phẩm tôi muốn độc giả thấy được cuộc sống của người nông dân đang dần đổi thay. Thế hệ đi trước như Tuấn, Đoan, Thạc làm nông còn phụ thuộc vào tự nhiên và kinh nghiệm truyền miệng thì Măng như lớp thanh niên dám nghĩ dám làm, biết khai thác và sử dụng điều kiện tự nhiên một cách hợp lí. Măng chính là đại diện cho người nông dân thời kỳ hội nhập có kiến thức, trí tuệ, làm nông nghiệp một cách thông minh. Đã đến lúc chúng ta thay đổi hình ảnh người nông dân không còn “ chân lấm, tay bùn” nữa. Những người trẻ như Măng chính là đại diện cho thế hệ thanh niên nông thôn Việt Nam có ước mơ có hoài bão không lùi bước trước khó khăn, không từ bỏ truyền thống, tiếp tục tìm hướng đi đúng cho cây mía. Bên cạnh đó tôi luôn muốn độc giả hiểu và thêm yêu bản tính thật thà cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân Việt Nam mà đại diện là Thạc, Đoan. Thật thà ngay cả với cảm xúc của chính họ bằng sự yêu, ghét rõ ràng .

Chị có thể kể lại đôi điều về quá trình thu thập dữ liệu để viết truyện ngắn này với độc giả hay không? Hay đây chính là một câu chuyện mà bản thân chị được trải nghiệm thực tế?

Như ở trên tôi đã nói, tôi được sinh ra ở vùng quê trồng mía, một huyện nhỏ của tỉnh Hòa Bình. Tuổi thơ đã chứng kiến sự vất vả cuả người nông dân, chứng kiến sự thăng trầm, được mất mà cây mía đem lại. nhưng buồn, vui, nước mắt của họ là nỗi niềm chung của người nông dân Việt Nam trước một nền nông nghiệp nhiệt đới nhiều bấp bênh. Chính bản thân tôi đã từng chứng kiến mía nở hoa, nhìn thấy nỗi buồn mất mùa của những người xung quanh, nhưng họ vẫn không từ bỏ cây mía, bởi lẽ so với các cây trồng khác như ngô, khoai, sắn thì cây mía vẫn đem lại thu nhập tốt hơn. Một vài địa danh nhắc đến trong tác phẩm cũng là những địa danh có thật ở quê tôi như suối Lầm, dốc Cun…

Khi quyết định tham gia cuộc thi, tôi đã nghĩ ngay đến cây mía quê tôi. Hoa mía rất hiếm khi nở, mỗi lần nở hoa lại đem đến nỗi buồn cho người nông dân, thật ngược đời phải không? Tôi viết “ Hoa mía” như một lời cảm ơn tới quê hương, nơi mà vị ngọt ngào của mía đã nâng bước tuổi thơ tôi.

Cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” đã đi tới chặng cuối cùng. Chị nhận định thế nào về các tác phẩm khác gửi về dự thi?

Rất cảm ơn báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt đã tổ chức cuộc thi viết, cho tôi và nhiều tác giả khác được có cơ hội tham gia, nhất là  cây viết tay ngang như tôi thì đây chính là cơ hội cọ sát, học hỏi từ nhiều tác giả khác. Tôi rất ấn tượng với truyện ngắn “Hoa dẻ trắng”, “Thổn thức gió đồng” hay “Vân tay mắt phật”… Các tác giả có lối viết lạ, độc đáo, cuốn hút những vẫn phản ánh khá chân thực miền quê Việt Nam.

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần