Đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi chương trình môn văn khiến dư luận “dậy sóng”

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày qua, trước đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình môn Văn ở bậc THPT của tác giả Nguyễn Sóng Hiền, một nghiên cứu sinh về giáo dục ở Trường đại học Newcastle (Australia) đã khiến dư luận xã hội và giáo viên bức xúc.

Tác phẩm Chí Phèo đang gây tranh cãi trong việc có nên để tiếp tục tồn tại trong chương trình Ngữ văn lớp 11 hiện hành?
Tác phẩm Chí Phèo là một tác phẩm văn xuôi hiện thực của nhà văn Nam Cao, được nhiều học giả và nhà phê bình văn học Việt Nam đánh giá là một trong những tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8/1945. Tác phẩm này được Bộ GD&ĐT đưa vào chương trình Ngữ Văn lớp 11 từ khá lâu, trở thành đề thi đại học của nhiều năm. Tuy nhiên, mới đây anh Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle (Australia) đã có bài viết nêu quan điểm về việc có nên tiếp tục dạy tác phẩm Chí Phèo trong chương trình phổ thông hay không.
Tác giả Sóng Hiền đánh giá, ở khía cạnh văn học, tác phẩm có thể là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lại. Bởi, khi bản thân tác phẩm Chí Phèo không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh.
Để minh chứng cho những nhận định của mình, tác giả Sóng Hiền phân tích: “Nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hóa. Nhưng theo tôi, đây là một nhận xét phiến diện và mang tính áp đặt. Nếu xem xét kỹ toàn bộ tác phẩm, chúng ta đều có thể nhận thấy rằng Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục,... Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật mang tiếng cho nông dân mình quá” - tác giả viết.
Đồng thời, tác giả cũng cho rằng, Chí Phèo, bản thân một đứa trẻ bị bỏ rơi đã mang cho mình số phận thiệt thòi, huống chi lại được sinh ra trong một xã hội lạc hậu và đầy rẫy bất công ấy. Vậy, Chí đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục, và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy…
Trước khi đưa ra những lập luận để làm cơ sở cho đề xuất loại tác phấm Chí Phèo ra khỏi chương trình môn Văn ở bậc học phổ thông, anh Hiền khẳng định: “Ở khía cạnh văn học, tác phẩm có thể được đánh giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, theo tôi, cần cân nhắc kỹ lại”.
Sau khi bài viết được đăng tải trên mạng xã hội đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận và phản ứng mạnh mẽ từ giáo viên. Nhiều giáo viên cho rằng, đánh giá hay khen chê cần phải xét vào lịch sử ra đời của tác phẩm.
“Vừa đọc được suy nghĩ lệch lạc của tác giả Nguyễn Sóng Hiền, cảm thấy buồn. Tác giả đã đem những suy nghĩ nông cạn, hời hợt, méo mó vào việc đánh giá một nhà văn chân chính và một tác phẩm có giá trị. Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đã đẩy những giá trị tốt đẹp, nhân văn có từ nhân vật. Hình ảnh bát cháo hành mà Thị Nở cho Chí Phèo ăn, là hạnh nhân thúc đẩy điều thiện ở trong con người Chí Phèo…” - đó là ý kiến của giáo viên dạy Văn một trường phổ thông trên địa bàn quận Hoàng Mai chia sẻ. Giáo viên này cho rằng, các tác phẩm Văn học trong sách giáo khoa phổ thông luôn luôn cuốn hút, tạo tính ham học và ứng dụng cao trong tuổi học trò nên không nên bỏ tác phẩm này".
Còn độc giả Minh Hương cho rằng: "Phân tích kiểu như thạc sĩ này thì cần bỏ hết các tác phẩm kinh điển. Truyện Kiều cũng nên bỏ vì không có tính giáo dục, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cũng không nên đưa vào chương trình. Rồi các câu chuyện cổ tích cũng phải bỏ cả Tấm Cám, Sự tích trầu cau... Vì truyện nào cũng phải xét trên góc độ pháp luật thuần túy...".
Được biết, tác phẩm Chí Phèo thuộc dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao được coi là một kiệt tác của văn học Việt Nam thế kỷ XX.