Tác phẩm đời người:Trịnh Hải những góc nhìn

Thục Trinh
Chia sẻ Zalo

Tôi biết ông lật đật lo toan cho đứa con tinh thần lớn của đời mình ấy đã mấy năm ròng. Nhưng đúng sinh nhật tuổi “bát lục” (17/10/2016), ông mới bằng lòng cho ra mắt “Trịnh Hải - những góc nhìn”.

Giải thưởng nhiếp ảnh xếp hàng trong đời cầm máy, các tước hiệu nhiếp ảnh cũng thay nhau ghi tên lão nghệ sĩ yêu nghề này, nhưng cuốn sách vẫn không thôi khiến ông hồi hộp, bối rối. Bởi như ông nói, ấy là tác phẩm của một đời người...
Đúng là tác phẩm đời người! Những bức ảnh ông chọn đưa vào cuốn sách không chỉ đại diện cho những “cột mốc” đáng nhớ trong đời cầm máy mấy chục năm, mà còn hiển hiện cho một tinh thần, một đam mê, một sở thích rất riêng mang tên Trịnh Hải. Chẳng giống như những cuốn sách ảnh thông thường, tác giả chọn cho mình một chủ đề rồi nhất nhất đi theo dòng suy luận đó. Ở đây, lão nghệ sĩ phân định ra 4 góc nhìn – cũng là 4 “dòng ảnh” khác nhau trong kho ảnh tích lũy gần trọn đời người: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; Người cùng thời; Cuộc sống muôn màu; Động vật. Cái cách chọn chủ đề phóng khoáng ấy thật đúng với bản tính của người nghệ sĩ: Chân thành và nhân văn. Đúng như ông bộc bạch: “Gần 40 năm làm phóng viên ảnh của báo Nhân Dân, tuy làm việc hết mình nhưng tôi cũng có những trường hợp vừa do khách quan, vừa do chủ quan, đã bỏ lỡ nhiều dịp bấm máy để bây giờ thấy muôn phần tiếc nuối. Quá khứ không bao giờ quay lại. Sự hạn chế kể trên là thiếu sót lớn không thể khắc phục trong cuốn sách này. Tôi đành bằng lòng chọn những ảnh đã chụp có trong tay để in sách, phần lớn mang tính tư liệu chụp sự kiện, hiện tượng, con người gắn với lịch sử đất nước, có những ảnh mang kỷ niệm sâu sắc trong đời cầm máy của tôi”.
Cái sự chưa bằng lòng ấy thực ra càng chứng tỏ lòng yêu nghề và kỹ tính khi làm nghề của ông - điều mà những đồng nghiệp cùng thời luôn nhắc đến bằng sự trân trọng và yêu mến. Điều ấy cũng hiện hình rõ nét ở những khoảnh khắc lưu lại trong cuốn sách. Bởi dù “còn tiếc nuối” là thế, nhưng chỉ riêng chủ đề “Thời kháng chiến chống Mỹ” đã là một câu chuyện chi tiết, sống động về thời kỳ gian khổ nhưng vẻ vang của người dân miền Bắc. Ở đó có vị cha già dân tộc hiền hậu trong những hoạt động vì người dân Việt; có những học trò ưu tú – những người kế nhiệm của Người sau khi “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”; có những bước chân hành quân ra chiến dịch vì đất nước; có những người ở lại hậu phương hăng say sản xuất, ngày đêm hướng ra tiền tuyến; có cả những tan hoang của phố Hà Nội sau trận bom Mỹ, lại có cả tình người chan chứa trong hoạn nạn chiến tranh... Và chính ở đây, người quen nhận ra bao tác phẩm đã được vinh danh trong làng nhiếp ảnh Việt: “Lửa truyền thống” – giải A của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 1969 và giải đặc biệt của Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970; “Lòng tin trong hoạn nạn” – giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật năm 2015 với đề tài “Cách mạng và kháng chiến từ năm 1930 – 1975”... Và chính câu chuyện bằng ảnh ấy đã nói hộ ông rằng: Khi Mỹ leo thang chiến tranh ném bom phá hoại miền Bắc ngày càng ác liệt, việc tác nghiệp của phóng viên ảnh vốn đã gian khổ lại thêm phần nguy hiểm khi đối mặt với bom đạn. Nay nhớ lại quãng thời gian đó càng thấy tự hào vì lớp phóng viên ảnh, trong đó có ông đã khắc phục khó khăn, làm việc hăng hái vô tư như một lẽ tự nhiên. Thật quý giá khi lão nghệ sĩ tâm sự: “Ảnh in trong cuốn sách này có nhiều ảnh của tôi được ghi năm chụp, chọn lọc từ những phim đen trắng bị mối xông do điều kiện trước đây bảo quản thô sơ, may mắn cứu lại được”.
Rất nhiều người nói rằng, nhiều bức ảnh của Trịnh Hải trong cuốn sách gợi nhớ một thời sôi động trong đời. Riêng bạn bè đồng nghiệp thì nhắc mãi lần tai nạn gãy tay của ông vì trèo cao để lấy cho bằng được cảnh rộng. Tai nạn vì yêu nghề ấy tưởng đã “bắt” ông phải “giải nghệ”, vậy mà vì yêu nghề, ông chấp nhận mổ ghép xương 3 lần trong một năm trong điều kiện chữa bệnh còn thô sơ thời đó, rồi kiên trì tập luyện, tiếp tục làm nghề. Thậm chí, đến khi được nghỉ hưu năm 1992, ông vẫn còn rong tuổi trên các nẻo đường để chụp ảnh, lại còn đứng ra thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội để được cùng bạn bè thỏa đam mê ánh sáng. Xem cuốn sách là nhận ra ngay, những bức ảnh sau này của ông, ngoài kỹ thuật, ngoài tình yêu nhiếp ảnh, còn rất giàu trải nghiệm. Hơn thế, vì nghề mà ông không ngại tiếp cận với kỹ thuật số, với máy tính, máy quét ảnh..., ở cái tuổi như ông nói là “chậm hiểu nhanh quên” để khỏi lạc hậu trước sự phát triển nhanh chóng của nhiếp ảnh.
Đủ sức để có thể thực hiện những cuộc triển lãm ảnh cá nhân, nhưng ông lại muốn các tác phẩm có thể tồn tại lâu dài đến tận tay bạn bè, đồng nghiệp, người thân và những người yêu thích nhiếp ảnh. Chính vì thế mà ông đã tận tụy chọn lọc từ kho ảnh của mình những bức đẹp, ý nghĩa nhất để làm thành “Trịnh Hải - Những góc nhìn”.  Cuốn sách đời người ấy khi khép lại những trang cuối cùng, vẫn cứ mang mang trong lòng người xem sự bình dị, chân thực nhưng hết sức sống động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần