Tác quyền âm nhạc: Vướng lùm xùm, doanh thu lao dốc

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 17 năm, doanh thu của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) luôn trên đà đi lên, từ 10 tỷ, 30 tỷ rồi cán mốc gần 73 tỷ đồng năm 2016.

Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của VCPMC chỉ ước đạt 35 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm ngoái.

Hết thời thu “trọn gói”

Sáng 7/7, VCPMC tổng kết 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm, nhưng thực chất là “làm rõ một số vấn đề mà dư luận vừa qua thắc mắc, đồng thời làm minh bạch, rõ ràng hơn các khoản thu, chi của VCPMC trong quá trình triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả” – như lời khẳng định của nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC. Bởi vì những lá đơn khiếu nại với khoản thu mỗi tivi 25.000 đồng/phòng/năm của các DN quản lý khách sạn Đà Nẵng hồi cuối tháng 4/2017, báo chí lên tiếng, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) vào cuộc khiến VCPMC phải dừng thu. Kết quả, tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm của VCPMC là 35,1 tỷ đồng. Trong đó, phát thanh, truyền hình là 866 triệu đồng; biểu diễn, hòa nhạc, sự kiện, đoàn nghệ thuật là 3,2 tỷ đồng; nhà hàng, cà phê, quán rượu, phòng trà, chăm sóc sức khỏe là 5 tỷ đồng; karaoke là 3,2 tỷ đồng; rạp chiếu phim là 38 triệu đồng; vũ trường, bar là 174 triệu đồng; khách sạn, resort, nhà nghỉ, khu du lịch là 2,1 tỷ đồng; siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại là 2,7 tỷ đồng; hàng không, giao thông là 209 triệu đồng; website, nhạc chuông, ứng dụng điện thoại là 11,6 tỷ đồng; phòng thu là 396 triệu đồng; sao chép file MIDI, CD, DVD, quảng cáo, phim là 5,7 tỷ đồng; xuất bản sách nhạc là 52 triệu đồng; các lĩnh vực khác là 64 triệu đồng.

VCPMC tổ chức cuộc gặp với nghệ sĩ và báo giới để làm sáng tỏ, minh bạch các khoản thu, chi tác quyền âm nhạc. Ảnh: Thanh Loan

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc VCPMC miền Bắc cho biết, theo kế hoạch 6 tháng đầu năm, doanh thu của Trung tâm ước đạt khoảng gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lùm xùm của sự việc dừng thu phí tiền tác quyền âm nhạc các phòng nghỉ khách sạn nên doanh thu không đạt mục tiêu và còn thấp hơn năm 2016. Trên thực tế, quyết định dừng thu tiền tác quyền âm nhạc đối với phòng ngủ khách sạn của Bộ VHTT&DL được ban hành vào tháng 5/2017, nhưng kết quả cho thấy, nguồn thu chính của VCPMC phụ thuộc nhiều vào khoản thu “trọn gói” phòng ngủ khách sạn.

Sẽ đầu tư bộ đếm?

Cục Bản quyền tác giả khẳng định, việc thu tiền tác quyền đối với các tivi trong phòng ngủ khách sạn của VCPMC là đúng luật. Thế nhưng, Bộ VHTT&DL vẫn quyết định tạm dừng thu vì “VCPMC chỉ được thu phí âm nhạc khi có ủy quyền” – bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh. Trong khi đó, không phải tất cả các tác giả âm nhạc được sử dụng phát sóng trên tivi khách sạn ủy quyền cho VCPMC thu phí. Chính vì vậy, cách thu của VCPMC từ trước đến nay là thu “trọn gói” – thu cả người được ủy quyền và không ủy quyền.

Một phần vì doanh thu giảm, một phần vì quan niệm nếu không thu thì các đơn vị kinh doanh thoải mái xài chùa, Giám đốc VCPMC Phó Đức Phương tỏ ra khá bất bình: “Người sử dụng phải có nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả đã được ủy quyền. Khi nào thỏa thuận đạt được thì người sử dụng mới có quyền sử dụng tác phẩm… Giả sử ai cũng viện lý do như không thỏa thuận được, hay quy định này vô lý, hay Trung tâm phải chứng minh ủy quyền... để mặc nhiên sử dụng mà không cần trả tiền để tiếp tục xài chùa một cách ngang nhiên là không thấu tình đạt lý, vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả”.

Cho dù VCPMC mong muốn làm sáng tỏ các quy định về tác quyền âm nhạc, minh bạch thu chi nhưng muốn tăng hoặc đạt doanh thu năm 2017 vẫn phải chờ quyết định tái thu tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn. Theo một chuyên gia kỹ thuật thu hình âm nhạc, muốn làm được điều này, VCPMC phải có bộ đếm tần suất xuất hiện của tác giả, tác phẩm trong mỗi đầu phát. Để đầu tư bộ đếm này lại là một khoản chi khổng lồ chưa dễ gì VCPMC có được.