Tách dầu mỡ thải trước khi xả ra sông, hồ: Việc cấp bách

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian khảo sát dầu mỡ thải tại 3 cơ sở nhà hàng, bếp ăn, cửa hàng sửa xe máy trên địa bàn Hà Nội do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện đã cho kết quả đáng lưu tâm.

Hầu hết nước thải tại các cơ sở này đều chứa dầu mỡ cao gấp hàng trăm lần so với quy chuẩn nhưng vẫn đổ thẳng ra hệ thống thoát nước chung của TP.
Dầu mỡ trong nước thải cao hơn 300 lần quy chuẩn

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, sau hơn 45 ngày khảo sát, quan trắc và phân tích tại 3 cơ sở cho thấy nước thải chứa dầu mỡ rất cao. Cụ thể, tại bếp ăn Công ty Thoát nước Hà Nội (phục vụ khoảng 70 người, 1 bữa ăn/ngày) nước thải ra có mức độ ô nhiễm dầu mỡ là 713mg/l, cao hơn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải gấp 35 lần. Tại Trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng, rửa xe số 4A Tân Mai với số lượng xe rửa trung bình khoảng 50 xe máy/ngày, lượng dầu khoáng trong nước thải là 2.087mg/l, cao hơn quy chuẩn gấp 208 lần. Đặc biệt, tại nhà hàng bia Bảo Vân, số 658 Trương Định có quy mô phục vụ khoảng 300 suất ăn/ngày, hàm lượng dầu mỡ động thực vật trong nước thải là 6.242mg/l, cao hơn quy chuẩn tới 312 lần.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thu gom dầu mỡ đóng cặn tại thiết bị tách sau thời gian lắp thử nghiệm tại nhà hàng bia phố Trương Định. Ảnh: Vũ Cúc

Từ kết quả trên có thể thấy, lượng dầu mỡ thải ra từ các nhà hàng ăn uống là nghiêm trọng nhất, cần phải có biện pháp ngay tức thời để xử lý. Ông Trần Văn Sỹ - chủ quán bia Bảo Vân cho biết, hàng ngày nhà hàng đã dùng đến 40 lít dầu mỡ để chế biến thức ăn. Lượng dầu mỡ thải khi chưa được lắp thiết bị tách được đổ thẳng ra cống thoát nước chung. Chính việc này dẫn đến hệ thống cống tại khu vực bếp của nhà hàng thường xuyên bị tắc và phải vệ sinh hàng tuần. “Mỗi tuần nhà hàng phải làm vệ sinh cống và vớt lên khoảng 0,5m3 chất thải cô đặc từ mỡ cặn” – ông Sỹ cho hay.

Cần thiết phải xử lý

Theo các chuyên gia về xử lý nước thải, tác hại của việc ô nhiễm dầu mỡ đối với môi trường nước rất nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp kiểm soát triệt để tại chỗ, dầu mỡ sẽ bị quấn lại, tạo thành các mảng lớn bám bề mặt gây tắc nghẽn đường ống thoát nước. Ở mức độ nặng hơn có thể khiến hệ thống thoát nước, bể tự hoại, bể chứa… bị tê liệt, gây sự cố tràn nước thải, tràn ngược cửa cống. Đồng thời, khi thải ra môi trường tiếp nhận là sông hồ, dầu mỡ sẽ kết dính với nhau thành những mảng lớn nổi trên mặt nước, làm ảnh hưởng đến các loài động, thực vật và gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay, trước thực trạng và ảnh hưởng của ô nhiễm dầu mỡ thải đối với môi trường nước, TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty triển khai lắp đặt thử nghiệm thiết bị tách dầu mỡ theo công nghệ của Hungary. Sau thời gian thử nghiệm, hiệu quả xử lý của thiết bị đã được đánh giá rất khả quan qua các thông số. Kết quả tách dầu mỡ đạt trên 90%; các thông số cơ bản thể hiện chất lượng nước thải như BOD­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­5, COD, TSS, hiệu quả xử lý của thiết bị tách đạt từ 35 - 70%. “Với các kết quả khả quan đạt được, để đảm bảo tuân thủ các quy định về chất lượng nước và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại Hà Nội, việc tách dầu mỡ ngay từ đầu nguồn phát sinh trước khi xả ra nguồn tiếp nhận là hết sức cần thiết và cấp bách” – ông Võ Tiến Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, điều băn khoăn là hiện nay vẫn chưa có cơ chế, quy định áp dụng đối với nước thải nhiễm dầu mỡ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi xả ra môi trường. Do vậy, để đưa thiết bị tách dầu mỡ vào áp dụng rộng rãi, đồng bộ tại tất cả các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cơ sở rửa xe… nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước sông hồ, cũng như chất lượng môi trường sống của người dân Thủ đô, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chức năng.
Theo kết quả khảo sát, thống kê sơ bộ của Công ty Thoát nước Hà Nội, trong khu vực nội thành có khoảng 360 nhà hàng, quán ăn xả nước thải có chứa nhiều dầu mỡ ra hệ thống thoát nước của TP. Trong đó, nước thải của 270 nhà hàng, quán ăn (chiếm 74%) có hiện tượng dầu mỡ đóng váng, kết tảng gây bít, tắc nghẽn cống thoát nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần