Tài chính, viễn thông trước các cam kết EVFTA: Mở rộng cửa song cần kiểm soát chặt

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch vụ tài chính, viễn thông là những nhóm có nhiều cam kết mở cửa thị trường ở mức cao hơn khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho những ngành trên nhưng cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn trong quản lý Nhà nước. Đó là ý kiến đã được các chuyên gia, DN và cơ quan quản lý đưa ra tại Hội thảo "Ngành tài chính - viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ EVFTA" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 23/10.

Khách hàng giao dịch tại cửa hàng của Mobifone tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Kiểm soát thận trọng
Theo thống kê của VCCI, những cam kết của EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18% - 3,25% trong giai đoạn từ 2019 - 2023; tăng từ 4,57% - 5,3% trong giai đoạn từ năm 2024 - 2028 và 7,07% - 7,72% trong giai đoạn năm 2029 - 2033. Trong đó, các dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) và dịch vụ viễn thông là những nhóm có nhiều cam kết theo hướng mở cửa thị trường Việt Nam ở mức cao hơn so với cam kết WTO. Tuy nhiên, các cam kết này lại đang đặt ra nhiều tiêu chuẩn tối thiểu trong quản lý Nhà nước khi EU là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính viễn thông. Vì vậy, EVFTA đươc dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai ngành và thị trường tài chính - viễn thông Việt Nam.
Theo đại diện Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT, khoảng năm 2025, thị trường Việt Nam mở hoàn toàn dịch vụ và cam kết mở cửa thị trường. Tuy nhiên, điều kiện sau đó rất chặt chẽ, rủi ro pháp lý cao nên DN cần nâng cao năng lực, nội lực, nhân sự, công nghệ, mạng lưới, chuẩn bị sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam”.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, trong EVFTA, cam kết liên quan đến dịch vụ tài chính, viễn thông nằm trong nhóm có cách thức tiếp cận đặc biệt. Theo đó, một mặt mở cửa tự do hóa, mặt khác đây cũng là dịch vụ nhạy cảm gắn liền với sự ổn định của nền tài chính quốc gia, an ninh thông tin, ảnh hưởng trực tiếp, tức thời tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Vì thế, những ngành này luôn cần có sự kiểm soát thận trọng.
Làm sao tận dụng cơ hội?
Nói về tác động của EVFTA tới ngành tài chính và viễn thông, các chuyên gia cho rằng, về trực tiếp, ngành tài chính sẽ không có tác động quá lớn về đầu tư nước ngoài do chỉ mở thêm duy nhất dịch vụ nhượng tái bảo hiểm còn về mức cam kết sẽ không có gì thay đổi.
Với ngành viễn thông, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, sẽ không mở thêm lĩnh vực viễn thông nào mới, nhưng về mức cam kết sẽ không có thay đổi lớn trong 5 năm đầu. Sau đó, mức độ mở cửa sẽ cao hơn cam kết WTO về mức vốn nước ngoài trong liên doanh và dịch vụ giá trị gia tăng. Ngoài ra, tác động gián tiếp mà EVFTA mang đến sẽ làm gia tăng nhu cầu dịch vụ; giúp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ổn định hơn. Từ đó, kéo theo cơ hội đầu tư tại các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU) và cơ hội hợp tác với các đối tác EU.
Thực tế, hiện nay, ngành tài chính và viễn thông sẽ đứng trước những áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập FTA. Không chỉ thế, vấn đề ứng dụng CNTT, bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong giao dịch và yêu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn cũng là những thác thức từ EVFTA mà nền kinh tế phải đối mặt. Do vậy, theo các chuyên gia, DN cần phải hiểu rõ ràng, đầy đủ để có thể vận dụng cam kết trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các chuyên gia tại hội thảo còn cho rằng, để tận dụng được những cơ hội và vượt qua thách thức của các ngành tài chính, viễn thông thì yêu cầu đặt ra cho các DN là phải chuyên nghiệp hóa và nâng cao các dịch vụ cung cấp, thiết kế và cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu khách hàng. Đẩy mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ, ngân hàng điện tử, rà soát thường xuyên và nâng cao các kỹ thuật bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời rà soát và kiểm soát chặt chẽ các quy trình, nghiệp vụ tài chính ngân hàng…
Ngành tài chính bao gồm bảo hiểm - ngân hàng, chứng khoán Việt Nam có tốc độ tăng 7,5%, cao gấp 1,5 lần các dịch vụ khác. Việc ký VEFTA là cơ hội khi khối DN bảo hiểm châu Âu có thêm nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam, giúp thị trường bảo hiểm phát triển về quy mô nhưng cũng đứng trước nhiều thức thức. Vì thế, các DN bảo hiểm Việt Nam thông qua sự hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài phải có sự chia sẻ, trao đổi, gây dựng thị trường phát triển cạnh tranh lành mạnh.
Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Bùi Gia Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần