Tại chung cư Star City: Cư dân “tố” chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm đoạt quỹ bảo trì

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì đơn kêu cứu, đơn kiến nghị phát đi trong vô vọng suốt gần 3 năm qua, cư dân tại chung cư Star city (81 Lê Văn Lương, Hà Nội) đã tạo ra tiền lệ khởi kiện hình sự chủ đầu tư.

Lý do phản ánh tới báo Kinh tế & Đô thị được khẳng định: “Chủ đầu tư sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu chiếm đoạt quỹ bảo trì 2%, đẩy cư dân vào thế… đem con bỏ chợ”.
Sáng 26/10, cư dân lần thứ 3 phải căng băng rôn đòi lại quyền lợi. ( Ảnh: Vân Hằng)
“Đá bóng”… trách nhiệm
Bức xúc lên đến đỉnh điểm, sáng 26/10, hàng trăm cư dân Star city đã căng băng rôn phản đối những vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), 19 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Đinh Thị Cẩm Vân - Thành viên ban quản trị chung cư Star City bức xúc: “Dù cộng đồng cư dân hết sức thiện chí, tạo điều kiện để chủ đầu tư có thời gian bàn giao quỹ trì (khoảng 30 tỷ đồng) song không nhận được sự hợp tác. Thậm chí có hành vi câu giờ “chỉ bàn giao quỹ bảo trì khi hoàn công (?!)”.
Cũng theo chị Vân, chung cư được đưa vào sử dụng từ quý III/2014, được Công ty CP Đầu tư & Thương Mại Vneco (Vneco) quản lý, vận hành của tòa nhà. Trong khi, Ocean Group là đơn vị đứng ra bán căn hộ thuộc dự án theo hợp đồng góp vốn giữa hai bên được ký ngày 7/11/2009. Tính từ thời điểm cư dân chuyển về sinh sống ổn định, vấn đề hồ sơ (hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công), kinh phí bảo trì tòa nhà chưa được chủ đầu tư là Vneco Hà Nội lẫn Ocen Group công khai, liên tục đá bóng trách nhiệm.
“Đỉnh điểm, trong thời gian gần đây các thang máy tòa nhà hư hỏng nặng, bị rơi nhiều lần từ tầng 25 đến tầng 7, cư dân vô cùng bất an. Ở góc độ khởi kiện dân sự, hai đơn vị trên có thái độ thách thức pháp luật. Từ thực tế trên, sau khi Thủ tướng Chính Phủ ra Thông tư với nội dung được khởi tố hình sự cho hành vi chiếm dụng quỹ bảo trì, cư dân đã buộc phải thực hiên đơn tố giác gửi cơ quan công an“- chị Vân nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan, trong tháng 5 vừa qua, trước những mâu thuẫn gay gắt giữa chủ đầu tư và cư dân, Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở xây dựng Hà Nội và TP Hà Nội đã xuống kiểm tra tại dự án.
Dù cư dân phản đối nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình không đối thoại với cư dân, đi ngược lại chỉ đạo của cấp chính quyền. (Ảnh: Vân Hằng)
Sau khi tiến hành kiểm tra, Đoàn kiểm tra kết luận Chủ đầu tư không quản lý quỹ bảo trì theo quy định. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu trước 15/5/2018, Chủ đầu tư phải có lộ trình bàn giao lại quỹ bảo trì cho Ban quản trị. Về phần diện tích chung riêng, đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư lập bản vẽ bàn giao cho Ban quản trị trước ngày 30/5/2017.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Chủ đầu tư phải khẩn trương liên hệ với Cục giám định Nhà nước về công trình xây dựng để được nghiệm thu công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện tại, chủ đầu tư vẫn chây ỳ thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng cư dân.
Có dấu hiệu trốn thuế?
Cũng theo phản ánh của các thành viên ban quản trị, Vneco có 2 trách nhiệm liên đới đến quỹ bảo trì 2%. Thứ nhất trong số tiền 16,1 tỷ đồng Ocean Group xác nhận bằng văn bản nhận thu của dân và trả thừa cho Vneco 32,5 tỷ đồng, trong đó có phí bảo trì, Ocean Group sẽ đòi tiền của Vneco để trả ban quản trị. Rõ ràng, cả 2 công ty hoàn toàn có thể cùng tội danh nếu toà tuyên án.
“Thêm vào nữa Vneco còn phải trả cho ban quản trị 2% phí bảo trì của khối đế 5 tầng và tầng 27A tự nhận là nhà công vụ của mình. Theo ban quản trị, số tiền tính trên giá bán cho dân trung bình 40 triệu đồng/m2, luật quy định, Vneco phải trả hơn 10 tỷ đồng. Nhưng Vneco lại cho rằng chỉ tính đơn giá 17 triệu đồng/m2 theo hợp đồng bán cho Ocean Group, số tiền giảm đi còn 4,2 tỷ đồng. Vậy có hay không dấu hiệu trốn thuế khi bán cho Ocean Group với gía 17 triệu đồng/m2 nhưng hợp đồng mua bán với dân lên đến 37 - 52 triệu đồng/m2 (?!)” - bà Nguyễn Bích Vân - thành viên bản quản trị Star city phân tích.
Đại đa số người dân cho hay, chưa cần biết số tiền quỹ bảo trì 4,2 tỷ đồng Vneco đưa ra hay 10 tỷ đồng theo lập luận của ban quản trị đúng hay sai, bản chất, Vneco vẫn đang nợ ban quả trị quỹ 2%. “Do vậy, cư dân có yêu cầu hầm B2B3 có khoản thu 160triệu đồng/tháng đang được Vneco khai thác nên gửi vào tài khoản ngân hàng phong tỏa. Hết năm 2018, trường hợp Vneco bàn giao hầm B2B3 cho Ocean Group, lúc đó số tiền phong toả 3 tháng (tương đương 480 triệu đồng) sẽ cấn trừ vào số tiền Vneco và Ocean Group đang nợ cư dân. Không thể lấy lý do “chủ đầu tư sắp phá sản” mà phủi trách nhiệm, đưa dân vào thế sinh sống bất an, nguy hiểm đến tính mạng” - bà Nguyễn Bích Vân khẳng định.