Tái cơ cấu kinh tế gắn với cách mạng công nghiệp 4.0

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu phải song hành cùng với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0”, do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 22/11.

Dây chuyền lắp ráp xe ô tô i10 tại Nhà máy Thành Công Hyundai. Ảnh: Việt Dũng
Chậm là thua
Theo Tổ chức chức Lao động quốc tế (ILO), tại Việt Nam, 7 lĩnh vực có nguy cơ bị robot thay thế gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa; vận tải kho bãi; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật, vui chơi và giải trí.

Trong khi đó, theo khảo sát của NCIF, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo, khả năng đổi mới sáng tạo đáng báo động chỉ chiếm 4% và chỉ đạt 3,3 điểm trong thang điểm 7. Mức độ quan tâm và nhận thức của DN là rất thấp, có những ngành chỉ đạt 0,5%. DN có thể sử dụng công nghệ cao rất thấp chỉ đạt 0,1 - 0,2%. Hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng CNTT trong các DN chưa đồng đều. “Nếu không sáng tạo đột phá, các DN có thể thua cuộc, thậm chí là biến mất hoàn toàn trên thị trường” - TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) chia sẻ.
“Nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, dư thừa lao động trình độ thấp; gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống…” 
TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF)
TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lấy ví dụ, mấy chục năm ngành lúa gạo Việt Nam xuất khẩu lớn, chiếm 15% tổng xuất khẩu gạo thế giới nhưng vẫn thiếu thương hiệu, chất lượng chưa cao, sản xuất manh mún, chưa kể nguy cơ phải chống lại mưa lũ, triều cường, xâm nhập mặn thì việc đầu tư vào KHCN, con người càng phải cấp bách. Tương tự, với cà phê dù đã có thương hiệu nhưng chưa bao giờ cạnh tranh được về giá thành với Brazil hay Colombia… Trong số 3 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê (Brazil, Việt Nam, Colombia), quy mô sản xuất cà phê chất lượng cao của Việt Nam thấp, gây bất lợi lên giá thành sản phẩm cũng như lợi thế cạnh tranh.

Trong lĩnh vực ngân hàng, thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam trở nên kịch tính hơn bao giờ hết khi ngày càng nhiều công ty fintech đình đám trên thế giới "nhảy" vào đòi chia phần. Khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các lĩnh vực điện tử mới như tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử... là những vấn đề mới, phức tạp phải tính đến.

Thay đổi cấu trúc, trình độ nền kinh tế

Theo các chuyên gia, trước CMCN 4.0, Việt Nam cần thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Ailen, TS Conor Otoole – Viện Nghiên cứu KTXH Ailen cho hay, Ailen đã thu hút rất nhiều DN công nghệ nguồn như Microsoft, Google, Intel… Ông Otoole khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần có những hoạt động trợ giúp DN để DN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới, sáng tạo. Tập trung sự trợ giúp đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo vào các DN có quy mô, doanh thu hoặc cường độ vốn lớn, các DN ở vùng đô thị hoặc ngành công nghệ cao. Đồng thời “Chiến lược FDI thế hệ mới” cần đảm bảo cải thiện tình hình đầu tư chung và hiệu quả thực hiện chính sách, chuyển tiếp thành công sang môi trường kinh doanh 4.0, tăng số lượng và tỷ lệ dự án FDI trên nền tảng CMCN 4.0 vào các ngành công nghệ thân thiện môi trường. Cải thiện kết nối và hiệu ứng lan tỏa của FDI.

TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài đánh giá: "Việt Nam có rất nhiều cơ hội, vấn đề là chúng ta có tin vào bản thân hay không. Và nếu tin, chúng ta sẽ hành động cụ thể như thế nào?”. TS Nguyễn Mại cho rằng, cần có chương trình cụ thể cho từng ngành thúc đẩy năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, hàng hóa thương hiệu, khai thác hiệu quả kinh tế chia sẻ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng quản lý.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần lựa chọn 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tốt để thực hiện ngành kinh tế mới, áp dụng CNTT, điện toán đám mây, internet vạn vật để đầu tư vốn, nhân lực, phát triển các dự án quy mô lớn thúc đẩy nhanh tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, coi trọng việc thiết lập mối liên kết theo chuỗi giá trị…