Tái cơ cấu ngành du lịch: Bắt đầu từ 6 vấn đề “nóng”

Thanh Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” sáng 22/12, các đại biểu cho rằng, có 6 vấn đề “nóng” trong tái cơ cấu ngành cần sớm được cải thiện.

Những thành tựu ban đầu

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định: Năm 2017 đang dần khép lại với dấu ấn chưa từng có trong lịch sử ngành. Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TƯ về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội thông qua Luật Du lịch năm 2017; Ước tính năm 2017, du lịch Việt Nam thu hút khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, bình quân hơn 1 triệu lượt khách/tháng…

Khách quốc tế tham quan khu di tích nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Thanh Hải

Mặc dù du lịch Việt nhìn chung đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để có thể đạt mục tiêu năm 2030, đóng góp 12% cho GDP. Ông Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, ngành du lịch mới đạt được những thành tựu ban đầu, vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực. Việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nhằm khắc phục những điểm yếu của du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đây cũng là một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đề ra trong Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Trong đó, có 6 vấn đề cơ bản đặt ra trong tái cấu trúc ngành cần sớm được cải thiện gồm: Cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch; điều chỉnh phát triển sản phẩm du lịch; định hướng thị trường du lịch; cơ cấu lại DN du lịch; cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch; cơ cấu lại về tổ chức, quản lý ngành du lịch.

Sáng tạo du lịch

Nhấn mạnh vai trò sáng tạo trong ngành du lịch, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, ví von: “Người ta trồng lúa trên sa mạc mới là hấp dẫn, trồng lúa trên cánh đồng lúa là chuyện bình thường”. Các chuyên gia đã “mổ xẻ” các vấn đề, tìm giải pháp cụ thể và xác định rõ trách nhiệm các bên thực hiện trong cơ cấu lại ngành du lịch.

Vấn đề đầu tiên trong tái cơ cấu ngành chính là làm phong phú sản phẩm du lịch Việt Nam. Việt Nam đã tận dụng tốt du lịch danh thắng, nhưng gần như bỏ ngỏ du lịch lịch sử chiến tranh. “Đến Mỹ, tôi bỏ ra nửa ngày để xem bảo tàng đường sắt, nửa ngày để xem bảo tàng xay xát hay xem bảo tàng Đại học Quốc gia. Chúng ta có một số bảo tàng về chiến tranh nhưng nói chung những sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo còn thiếu” - ông Lương Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines bày tỏ.

So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, du lịch Việt có tăng trưởng trong vài năm gần đây, nhưng quy mô vẫn còn thấp so với quy mô của nền kinh tế và tồn tại một số hạn chế: Sự ưu tiên của Chính phủ đối ngành du lịch; độ mở cửa của ngành du lịch so với các quốc gia trong khu vực còn yếu; hạ tầng du lịch còn rất kém… “Do đó, trong giai đoạn trước mắt, ngành du lịch nên định hướng vừa phát triển theo chiều rộng, vừa phát triển theo chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng khách, và hiệu quả sử dụng nguồn lực, cũng như năng suất lao động” - ông Cung đề xuất. Bên cạnh đó, ông cho rằng, ngành kinh tế xanh cần rà soát lại toàn bộ quy định pháp luật liên quan đến phát triển du lịch. Theo đó, phải lấy DN làm trung tâm và phải khuyến khích tạo ra sự tự do, an toàn, chi phí thấp, nâng cao tính sáng tạo trong kinh doanh du lịch.

Các tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực du lịch có thể coi là những yếu tố có thể cải thiện thêm nhưng rất khó tạo được thay đổi đột phá; thì tái cấu trúc ngành du lịch, về bản chất, là làm tất cả những gì trong ngắn hạn và dài hạn để cải thiện đáng kể chỉ số cạnh tranh đang thấp của Việt Nam trong so sánh toàn cầu.