Tái diễn nạn đổ trộm phế thải xây dựng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên các tuyến đường, bãi đất trống dự án trên địa bàn nhiều quận của Hà Nội có xu hướng bùng phát trở lại. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, ATGT, ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị.

 Rác thải xây dựng chiếm trọn vỉa hè ngõ 2, phố Định Công Thượng.

Đất trống, đường vắng là có rác
Có mặt tại nhiều trục đường lớn nhỏ thuộc quận Hoàng Mai, không khó để phát hiện những đống phế thải, vật liệu xây dựng đổ tràn lan. Dọc đường Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm có nhiều điểm phế thải xây dựng ở ven đường đã tồn tại từ lâu nhưng không được thu dọn. Điển hình, tại khu vực cửa hầm dành cho người đi bộ trên phố Nguyễn Xiển, nhiều bao tải rác chất đống ngay cạnh biển cấm. Nhiều dãy ki ốt tại mặt đường Nghiêm Xuân Yêm được phá dỡ, hàng tấn vôi vữa, gạch vỡ, vật liệu xây dựng nằm tại chỗ nhiều ngày. Trên đoạn đường ngắn ven sông Lừ từ cầu Đặng Xuân Bảng đến KĐT Đại Kim, những đống đất, vật liệu xây dựng đổ tràn ra cả lòng đường...

Nghiêm trọng hơn, dọc 2 nhánh đường gom của Đại lộ Thăng Long, con đường huyết mạch chạy qua các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất thời gian gần đây xuất hiện dày đặc các đống đất, đá xây dựng. Phó Giám đốc chi nhánh Cầu Diễn, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Anh cho biết, thời gian gần đây, công nhân môi trường dọn không xuể vì chỉ sau một đêm là đất, phế thải lại bị đổ bừa bãi tại nhiều điểm trên tuyến đường.

Ngoài những tuyến giao thông vắng người khi trời tối, một địa chỉ quen thuộc nữa mà “rác tặc” thường xuyên đổ bộ là các khu đất dự án chưa thi công. Nằm sát chung cư Đại Kim Building (phường Đại Kim), khu đất trống của một nhà xưởng vừa tháo dỡ đã trở thành bãi tập kết phế thải khổng lồ.
Hay tại khu đất dự án KĐT Thịnh Liệt nằm trên địa bàn giáp ranh giữa 3 phường Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai những đống phế thải xây dựng chất cao hàng mét. Anh Nguyễn Mạnh Cường, tổ 68, phường Tương Mai cho biết, sống ngay cạnh bãi rác không được thu dọn thường xuyên nên cứ vài ngày anh lại phải ra đốt để đỡ bốc mùi ô nhiễm.

Đồng bộ các giải pháp

Trưởng Phòng kỹ thuật hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động đầu tư xây dựng chưa thực sự đi vào thực tiễn. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải xây dựng chưa cao. Ngoài ra, việc đầu tư các trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải xây dựng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế...

Thời gian qua, TP đã quy định các điểm tập kết phế thải xây dựng gồm 4 bãi chôn lấp tại Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì; Vân Nội, Nguyên Khê, huyện Đông Anh; Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Ngoài ra, đang triển khai 4 địa điểm trung chuyển, tái chế chất thải xây dựng bằng công nghệ nghiền tại các cửa ngõ TP, trong đó 2/4 địa điểm tại Hoàng Mai và Thanh Trì đã đi vào hoạt động từ 30/11/2017, song chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Bên cạnh ý thức kém của một bộ phận người dân, thì việc nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công chưa tuân thủ nghiêm những quy định về bảo vệ môi trường chính là nguyên nhân khiến tình trạng đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng bùng phát.

Để xử lý dứt điểm, bên cạnh việc đẩy nhanh đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ cao, sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương để xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm là giải pháp cấp thiết. Đồng thời cần siết chặt quy định chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải ký hợp đồng thuê đơn vị thu gom phế thải khi thi công công trình, có như vậy mới mong nạn đổ trộm rác thải xây dựng không còn xuất hiện khắp nơi như hiện nay.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng, lượng chất thải rắn xây dựng thải ra hàng ngày trên địa bàn TP khoảng 3.000 tấn. Chất thải xây dựng từ các công trình được các công ty phá dỡ hay chủ công trình phân loại để thu lại các phế thải có thể tái sử dụng hoặc các phế thải có giá trị kinh tế. Các phế thải xây dựng khó tái chế như gạch và bê tông… sẽ được đưa tới các bãi thải để chôn lấp, nhưng phần lớn được đem đi đổ trộm, đổ bừa gây ô nhiễm môi trường. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần