Dự án Công viên cây xanh, thể thao Hà Đông: Vùng đất "chết" được hồi sinh!

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đến ngày 31/10 các đơn vị sẽ thi công hạ tầng, kỹ thuật tổ chức thảm nhựa cuối cùng tuyến đường trục 24m và chính thức cấm các xe trọng tải lớn… Dự án khai thác tạm Khu Công viên cây xanh, thể thao quận Hà Đông chính thức đi vào hoạt động để phục vụ bà con Nhân dân”.

Đó là thông tin ông Nguyễn Đình Huệ - Giám đốc chi nhánh phát triển quỹ đất Hà Đông (Hà Nội) khẳng định với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Hướng đi đúng
Theo tìm hiểu được biết, Dự án Công viên cây xanh, thể thao Hà Đông trong suốt thời gian 10 năm qua nằm “đắp chiếu”. Kéo theo đó là  hàng chục ha đất để hoang hóa bị lấn chiếm, đổ phế thải, tập kết vật liệu xây dựng làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm và bức xúc trong nhân dân từ lâu. Năm 2015, UBND TP đã cho phép quận Hà Đông tạm thời đưa một phần đất của dự án vào phục vụ kinh doanh, vui chơi, Giải trí để đáp ứng nhu cầu của bà con trong khu vực.
 Dự án khai thác tạm Khu Công viên thể thao, cây xanh Hà Đông được xây dựng khang trang và sắp được hoàn thiện. (Ảnh: Đạt Lê).
Ông Nguyễn Đình Huệ - Giám đốc Chi nhánh phát triển quỹ đất Hà Đông cho biết: “Trước thực trạng diện tích đất rất lớn để đất hoang hóa như vậy, quận Hà Đông xác định phải phát huy hiệu quả sử dụng đất … Mục đích chính là chống tái lấn chiếm tạo cảnh quan môi trường; Phục vụ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân; Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào khai thác và cũng tạo công ăn việc làm cho người lao động…”.
Trước đó, vào năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã ra quyết định quy hoạch Khu công viên văn hóa, thể thao, cây xanh với diện tích 120ha tại 2 phường Hà Cầu và Kiến Hưng. Tuy nhiên, phải đến năm 2008 mới thu hồi, giải phóng xong phần đất của khu công viên cây xanh, văn hóa (diện tích 52,87ha). Sau khi sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, khu đất này bị bỏ hoang nhiều năm liền, nhiều hộ dân lấn chiếm, xây dựng lều lán, nuôi trồng thủy sản, đổ phế thải, tập kết phế thải... Các hành vi này khiến khu đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận khu vực.
Ngày 23/4/2014, UBND quận Hà Đông đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội và đề xuất phương án quản lý, khai thác sử dụng tạm thời đối với diện tích đất 52,87ha đã GPMB. Ngày 23/4/2015, sau khi được sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch đầu tư đã tổ chức họp liên ngành (các Sở Quy hoạch, kiến trúc; Sở Xây dựng; Sở Tài Nguyên Môi trường; Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch; Sở Tài chính; quận Hà Đông...) để xem xét đề xuất của UBND quận Hà Đông.
Theo cuộc họp trên, dựa trên những ý kiến của các Sở, ngày 22/5/2015 UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 3461/UBND- KHĐT, chấp thuận cho quận Hà Đông tổ chức quản lý, sử dụng, tạm khai thác chống lấn chiếm đối với phần đất 52,87ha đã giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình để phục vụ nhân dân như: Sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh, chợ sinh vật cảnh, khu ẩm thực, khu bán đồ thể thao... Tất cả các công trình đều phải xây dựng bằng vật liệu tạm, khấu hao nhanh.
 Hàng loạt cây xanh, cây cảnh tiền tỷ được trồng tạo cảnh quan tại dự án. (ảnh: Đạt Lê).
Văn bản của UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND quận Hà Đông khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chung của dự án, khắc phục tình trạng bỏ hoang hóa, chống tái lấn chiếm và đặc biệt là phải bảo đảm ANTT và không được sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng. TP cũng cho phép quận Hà Đông được lựa chọn đơn vị tham gia xã hội hóa thuê mặt bằng để kinh doanh. Thời hạn được thực hiện phương án này là trong thời gian chờ triển khai dự án Khu Công viên vui chơi giải trí quận Hà Đông.
Vùng đất “chết” được hồi sinh!
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, các hạng mục tại dự án khai thác tạm Khu Công viên cây xanh, thể thao Hà Đông đang gấp rút hoàn thiện. Trên khu đất 52,87ha nhiều cây cảnh tiền tỷ đã được chuyển về. Những hàng cột điện thẳng tắp đã chạy dài trên trục đường chính khang trang, khu vực hồ điều hòa đang hoàn tất những công việc cuối cùng... Chia sẻ với chúng tôi nhiều người dân khu vực bày tỏ sự phấn khởi vì sắp có không gian vui chơi, sinh hoạt, thể dục thể thao,… “Dự án này đi vào hoạt động chẳng khác nào vùng đất “chết” được hồi sinh. Người dân rất vui mừng và cũng mong muốn dự án sớm hoàn thiện”. – Ông Nguyễn Văn Vinh ̣(người dân khu vực) hào hứng nói.
 Hiện các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại để sớm đưa Công viên thể thao, cây xanh Hà Đông vào hoạt động đáp ứng nhu cầu của người dân. (Ảnh: Đạt Lê). 
Trao đổi với phóng viên, về tiến độ của dự án, ông Nguyễn Đình Huệ  cho biết: Chi nhánh đang chạy hết công suất để kịp tiến độ, hoàn thành cơ bản các hạng mục xây dựng lớn như đường, điện, hồ nước, gian hàng, nhà trưng bày... trước khi kết thúc trong tháng 10/2016. “Đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều doanh nghiệp, công ty lớn đã đầu tư vào đây. Cụ thể như: Công ty CP Golf quốc tế; Công ty CPĐT xây dựng Lũng Lô; Công ty CP Thể thao Động Lực... Chúng tôi tin rằng, khi đi vào hoạt động khu vực này sẽ là một điểm đến hấp dẫn của Nhân dân Hà Đông nói riêng và Hà Nội nói chung” - ông Huệ  nói.
Trước một số thông tin lo ngại, có thể xảy ra bất cập như: xây các công trình kiên cố, sai mục đích và các nhà đầu tư chây ì trong việc trả lại mặt bằng khi Thành phố thu hồi để triển khai dự án? Ông Huệ khẳng định: “Chúng tôi đảm bảo không để xảy ra chuyện đó. Đơn vị luôn cử người giám sát việc xây dựng 24/24 giờ nên không thể để xây dựng bê tông cốt thép trên diện tích khu vực này. Đồng thời, trong Hợp đồng thuê mặt bằng giữa các bên có điều khoản được soạn thảo rất chặt chẽ. Theo đó các đơn vị thuê chỉ được dựng nhà tạm bằng các vật liệu tạm và chỉ sử dụng vào mục đích trồng cây xanh, dịch vụ thể thao, sân golf... Đặc biệt, trong hợp đồng cũng ghi rõ doanh nghiệp phải bàn giao mặt bằng cho Nhà nước ngay khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu...”.
Liên quan đến dự án trên, theo ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông: UBND quận đã có văn bản Chấp thuận phương án chi tiết xây dựng khai thác tạm thời khu đất đã được GPMB dự kiến xây dựng Khu Công viên, vui chơi giải trí quận Hà Đông do Chi nhánh phát triển quỹ đất Hà Đông đề xuất. UBND quận cũng yêu cầu Chi nhánh phát triển quỹ đất Hà Đông tổ chức niêm yết công khai để các tổ chức cá nhân liên quan và Nhân dân được biết, thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện các bước phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật.
Về việc thực hiện triển khai tại dự án, theo đại diện các doanh nghiệp thuê mặt bằng tại đây cho biết: Giá thuê, thời gian thuê đất, các khoản phí đều minh bạch, Chi nhánh quỹ đất Hà Đông cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, do đó mọi thứ triển khai rất thuận lợi. Một đại diện doanh nghiệp chia sẻ: “Với tốc độ hiện nay thì chỉ hết năm nay, đến đầu năm 2017 khu vực này sẽ là một điểm đến cực kỳ hấp dẫn với nhiều loại hình dịch vụ vui chơi, tham quan, mua bán… Tôi cho rằng, việc UBND TP Hà Nội tạm thời cho thuê đất theo mô hình xã hội hóa đã mở nút thắt cho một dự án bị “đắp chiếu” nhiều năm qua”.
Vị đại diện doanh nghiệp cũng đánh giá: Với chủ trương của Thành phố cho các doanh nghiệp tạm thời kinh doanh tại đây đảm bảo công tác quản lý đất lại tạo cảnh quan đẹp. Đặc biệt là xây dựng được không gian vui chơi, giải trí cho người dân nhưng vẫn tạo được nguồn thu ngân sách không nhỏ từ việc đóng thuế của các đơn vị kinh doanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần