Tái hiện hình ảnh cảm động về thương binh, liệt sĩ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), tại Hà Nội đã diễn ra nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Qua đó, hình tượng về thương binh, liệt sĩ được tái hiện cảm động. Người xem cảm nhận được tinh thần chấp nhận hy sinh, gian khổ các chiến sĩ; thôi thúc niềm tin, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, anh dũng cho thế hệ trẻ.

Xúc động với hình ảnh màu xanh áo lính
Tối 25/7, tại Rạp Xiếc T.Ư diễn ra chương trình nghệ thuật tổng hợp “Đi cùng năm tháng số 3” với chủ đề “Biển đảo là quê hương”. Khác với những đêm diễn khác tại rạp xiếc, trên khán đài là hình ảnh những người thương binh, liệt sĩ, bộ đội cụ Hồ với màu xanh áo lính, mang trên ngực những huân, huy chương danh giá. Phía dưới sân khấu, hình ảnh người chiến sĩ hải quân và cảnh sát biển sẽ được khắc hoạ xuyên suốt trong chương trình.
Hình ảnh người chiến sĩ hải quân và cảnh sát biển xuyên suốt trong chương trình ''Biển đảo là quê hương''.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, hoạt cảnh “Vòng tròn bất tử” được ê kíp đầu tư nhiều nhất. Câu chuyện dựa trên nền bài hát Bà mẹ Gạc Ma, hình ảnh những người lính hải quân chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được các nghệ sĩ xiếc thể hiện qua những động tác như thăng bằng, tạo hình trên các mỏm đá, nhào lộn dưới làn sóng biển và lần lượt hy sinh.
Khán giả Phạm Anh Tuyến chia sẻ: “Xem hoạt cảnh này qua đặc trưng của ngôn ngữ xiếc, tôi cảm nhận được sự linh thiêng khi hướng về biển, đảo Tổ quốc với những hình ảnh của những chiến sĩ, bộ đội được tái hiện vô cùng cảm động”.
NSND Tống Toàn Thắng, tác giả kịch bản và đạo diễn chương trình chia sẻ: “Đây là lần thứ ba Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng một chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, chủ đề hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa và khắc họa hình ảnh người chiến sĩ. Thông qua ngôn ngữ xiếc, giúp thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc tinh thần hy sinh gian khổ của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi dàn dựng chương trình này, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.
Bên cạnh đó, để động viên tinh thần các chiến sĩ nơi đảo xa, Ban Tổ chức chương trình còn kêu gọi các nhà hảo tâm, DN ủng hộ. Hiện nay, câu lạc bộ UNESCO Sen Hồng gửi tặng một tấn gạo, một cá nhân gửi tặng 200 lá cờ Tổ quốc.
“Trong chương trình năm trước và năm nay cũng vậy, các nghệ sĩ cũng sẽ chuyển số tiền biểu diễn của mình thành những phần quà gửi tặng các thương binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam” - NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Ký ức về sự hy sinh, dũng cảm
Bên cạnh những chương trình nghệ thuật đặc sắc, nhiều di tích lịch sử tại Hà Nội cũng tổ chức các chương trình tri ân thương binh, liệt sĩ. Đơn cử, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức chương trình “Về miền ký ức - Thắp lửa tri ân” với điểm nhấn là chương trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”.
Kỹ thuật hắt bóng ánh sáng được sử dụng tạo sự khác biệt trong hành trình trải nghiệm tham quan tại di tích Hỏa Lò về đêm. Ảnh: Ngọc Tú.
Theo đó, Bản Quản lý Nhà tù Hỏa Lò đã tái hiện những câu chuyện tiêu biểu về cuộc sống lao ngục tối tăm, khắc nghiệt, bị tra tấn, đàn áp dã man trong “địa ngục trần gian” khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Đó là những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử thiêng liêng hay tình đồng chí gắn bó, keo sơn. Hành trình trải nghiệm gồm 45 phút ngược dòng thời gian giúp du khách trải qua những cung bậc cảm xúc. Người xem vừa giật mình, xót xa trước sự khắc nghiệt của chế độ nhà tù thực dân, lại vừa khâm phục ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân”.
Tại đây, kỹ thuật nhấn sáng, hắt bóng được sử dụng, tạo điểm nhấn tại các phòng trưng bày. Hệ thống âm thanh, tiếng động thay đổi qua từng điểm tham quan đem lại sự mới lạ, hứng thú. Đồng thời, du khách sẽ được thả lòng mình tại không gian tri ân thiêng liêng với niềm tự hào về thế hệ đi trước anh dũng, kiên cường.
TS Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Chương trình “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” là món quà ý nghĩa mà Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò gửi tới du khách với ý nghĩa nhân văn cao cả, thôi thúc niềm tin, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, anh dũng cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, chúng ta có những phút giây tưởng nhớ đến thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.