Tái hiện “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” bằng 5 điểm cầu truyền hình

Linh Anh - Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 18/5, cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” đã diễn ra tại 5 điểm cầu, gồm: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội), Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang), Khu di tích Kim Liên (Nghệ An), Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh), Công viên Văn Miếu TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Đây là các địa điểm mang dấu ấn lịch sử và có mối liên hệ đặc biệt với thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác.

Đặc biệt, địa điểm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội) với tiền cảnh sân khấu là ngôi nhà làm việc của Bác, là địa điểm đầu tiên đón khán giả truyền hình trong một chương trình cầu truyền hình trực tiếp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tại điểm cầu Hà Nội

Đến dự chương trình đặc biệt này tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Phía Hà Nội, có Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc…

Dự chương trình tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dẫn đầu đoàn đại biểu T.Ư dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An.

Dự chương trình tại điểm cầu Đồng Tháp có Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Dự chương trình tại điểm cầu Tuyên Quang có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và nhiều đồng chí lãnh đạo khác.

Cùng dự tại các điểm cầu còn có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy các tỉnh, thành, lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể T.Ư và địa phương, Nhân dân cả nước.

Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” là chương trình trọng điểm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo T.Ư, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Chương trình nghệ thuật tại 5 điểm cầu được dàn dựng rất công phu để tưởng nhớ về Bác

Qua 5 chương chính bao gồm: “Người trai chí lớn”, “Đi tìm mùa Xuân độc lập”, “Một nhà thống nhất”, “Âm thanh ngày mới” và “Rạng rỡ Việt Nam”. Chương trình đã giáo dục truyền thống, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó rút ra những bài học sâu sắc, ý nghĩa trong thời đại hôm nay và mai sau, tạo nên tinh thần phấn chấn, hồ hởi cho đông đảo đảng viên, quần chúng Nhân dân trong năm 2020, năm bản lề quan trọng, tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng.

Liên khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh do hàng trăm thiếu nhi thể hiện đã thể hiện tình cảm của người dân Việt Nam với Bác.

Ngay từ phút mở màn chương trình, những tình cảm thiết tha nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã được hàng trăm thiếu nhi tại các điểm cầu chuyển tải qua các liên khúc: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Nhớ ơn Bác, Mong Bác vô Nam, Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác, Bác Hồ - Người cho em tất cả.

Bóng dáng Bác kính yêu, ngọn lửa ý chí, tinh thần Hồ Chí Minh vẫn hiện diện trong từng khoảng sân, căn phòng, con đường trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho đến mọi miền đất nước.

Người xem chương trình có dịp ngược về quá khứ, tìm hiểu về gia đình, quê hương, đất nước, hiểu hơn về cội nguồn của ý chí Hồ Chí Minh, ý chí của một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Ở đó, từ cuối thế kỷ XIX, cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước trên mảnh đất Lam Hồng. Theo nhận định của các chuyên gia, yếu tố gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách, con người cậu bé Nguyễn Sinh Cung sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phó Bí thư thường trực Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc… cùng các đại biểu TP Hà Nội chăm chú lắng nghe chương trình tại điểm cầu Hà Nội

Nước mất, nhà tan, cậu theo cha bước ra khỏi ngôi làng của mình, đi khắp đất nước, càng đi, càng nhìn thấy thực tại đau thương của đồng bào. Năm 1911, tại Bến Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành - cái tên được người cha đặt thêm cho cậu Nguyễn Sinh Cung, với mong muốn con hữu trí, tất thành. Và đúng là chàng trai ấy đã đi vào lịch sử và viết nên lịch sử.

Cậu bước lên tàu, rời quê hương với hai bàn tay trắng và trái tim mang nặng nỗi đau mất nước, với ý chí lớn lao: Mang hòa bình, độc lập về cho Tổ quốc và mang tự do về với mọi người dân. Trên con đường “đi tìm mùa Xuân độc lập” cho đất nước, Người đối mặt với vô vàn khó khăn nơi đất khách.

Đó là Paris, London, Moscow những mùa đông đầu thế kỷ XX, người thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa nhọc nhằn lao động kiếm sống, vừa đi tìm con đường cứu nước, vừa tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội: Gia nhập Đảng Xã hội Pháp, thay mặt Hội những người An Nam yêu nước gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles bản Yêu sách của Nhân dân An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quốc...

Đông đảo người dân Đồng Tháp tham dự chương trình tại điểm cầu Đồng Tháp

Kể tiếp những câu chuyện về Người trong chương trình còn có rất nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, xúc động, cạnh các phóng sự, phim tư liệu quý giá.

Cũng trong chương trình, đã có rất nhiều nhiều cuộc giao lưu, trò chuyện với các khách mời đặc biệt như TS. John Callow - Giám đốc Thư viện tưởng nhớ Karl Marx, Anh quốc; TS. Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; Gs Vladimir Kolotov - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học tổng hợp quốc gia St.Peterburg; TS Nguyễn Văn Huy - con trai của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, các cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nhà báo Alberto Salazar Gutiérrez, Phân xã Hãng thông tấn Cuba; Giáo sư Furuta Motoo - Giám đốc Đại học Việt Nhật, Nguyên Giám đốc Đại học Tokyo…

Điểm cầu Tuyên Quang với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu

Tất cả cùng làm sáng rõ hơn ý chí sắt đá, hành trình vượt mọi khó khăn, trở lực, cam go từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong cả sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Bác Hồ kính yêu.

Cho đến hôm nay, ý chí Hồ Chí Minh, ý chí người cộng sản Việt Nam vẫn là ngọn lửa bất diệt, được cả thế giới công nhận, tôn vinh và trở thành biểu tượng cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, tiếp tục góp phần làm nên ngày càng nhiều “kỳ tích thời đại Hồ Chí Minh” trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần