Tái hôn nên hay không?

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉ lệ ly hôn năm 2018 của Việt Nam là 31,4%, nghĩa là cứ có 3 cặp kết hôn thì sẽ có 1 cặp ly hôn (theo nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa - ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh). Và đương nhiên, sẽ có những cặp đôi tái hôn lần 1, lần 2...

Tháng trước, một người chị trong nhóm chơi chung của tôi kết hôn lần thứ 2 cùng với một người đàn ông cũng đã ly hôn 2 lần. Chị có một đứa con gái gần 20, anh có đứa con trai cùng tầm tuổi ấy.
Nghe thôi đã thấy rối ren, ngày chị thông báo sắp đám cưới tôi đã định hỏi chị “tại sao tái hôn, 2 mẹ con sống vui vẻ như hiện tại không phải tốt hơn sao?”, nhưng tôi đã kịp kìm lại, dù sao thì cũng là quyết định cá nhân của chị ấy, và người trong cuộc mới hiểu rõ họ cần gì, mình không ở vị trí của họ cũng không cần phải hiểu.
 Ảnh minh họa.
Lẽ dĩ nhiên, vì không phải lần đầu của cả hai, nên đám cưới được tổ chức khá gọn nhẹ tại một nhà hàng nhỏ, chỉ có gia đình 2 bên và một số bạn bè thân thiết. Nhìn 2 đứa con cũng sắp đến tuổi dựng vợ gả chồng tham dự đám cưới của cha mẹ cũng có chút lạ lẫm hay hay. Giống như tôi từng nghĩ, sau này đám cưới của mình sẽ có các con tham dự, nhưng là con ruột của 2 vợ chồng chứ không phải như tình huống của chị bạn, con anh con tôi rồi con của chúng ta. Nghĩ thôi đã thấy cuộc sống không dễ bình yên.
Quả thật, sau đám cưới của chị khó khăn mới bắt đầu khi cả 2 đứa con chị - con anh đều về sống chung cùng nhà. Chị vẫn luôn chăm sóc đầy đủ cho cả 2 đứa, nhưng anh thì khác, con anh là con anh nhưng con chị không phải con anh. Anh gần như không để ý gì con gái chị, con bé sống trong như người vô hình đối với anh, không một chút quan tâm, thậm chí con bé chào hỏi anh cũng chỉ im lặng.
Thi thoảng anh mua cái này cái kia cho con anh, đưa con anh đi ăn nhà hàng, đi chơi, thưởng cho thằng bé mỗi khi thành tích học tập tốt. Nhưng con gái chị, giống như một người ngoài, hoàn toàn không thuộc về gia đình này.
Còn chị mải lo cho anh, mải lo cho gia đình mới mà không hề để ý đến tâm trạng của con gái mình, thấy con bé trầm lặng, ít nói, ít tâm sự với mẹ hơn trước, chị chỉ nghĩ đơn giản vì con bé chưa quen với gia đình mới, còn quát mắng con bé, cho rằng con bé đỏng đảnh dở chứng bệnh tiểu thư.
Những bữa cơm con bé ngồi ăn cùng cả nhà ít hơn, đi học sớm hơn và về nhà cũng trễ hơn, chị cho rằng con gái bắt đầu hư hỏng, đàn đúm bạn bè, rồi so sánh với con trai riêng của chồng.
Một sáng, chị gọi cho tôi giọng hốt hoảng “em có quen bác sĩ ở bệnh viện XX không, cứu con chị với". Hóa ra con bé đã tự hủy hoại bản thân với rất nhiều vết rạch trên tay và chân, vết mới chồng vết cũ chằng chịt, nhưng đỉnh điểm là tối qua con bé cắt tay và mất rất nhiều máu. Cũng may chị vào phòng phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Tôi hỏi “sao chị lại để con gái chị ra nông nỗi này, trước kia nó không phải là một đứa rất vui vẻ năng động yêu đời sao", chị chỉ khóc.
Tôi không quy kết việc chị tái hôn là xấu, nhưng bản thân chị đã từng thất bại ở cuộc hôn nhân đầu, tại sao lần này lại không lựa chọn thật kỹ càng. Đặc biệt, khi bản thân chị còn có một đứa con, khi chọn một người đàn ông ít nhất chị cũng phải lựa người quan tâm và yêu thương cả con chị nữa. Hai mẹ con đã sống cùng nhau 10 năm. Đột nhiên chị kết hôn với người đàn ông khác đã là một cú sốc quá lớn, thêm vào đó là cuộc sống với gia đình mới tạo quá nhiều áp lực cho con bé.
Người ta vẫn bảo “con chăm cha không bằng bà chăm ông" nên việc tái hôn vẫn luôn được mọi người khuyến khích để tuổi già có thể dựa dẫm vào nhau. Nhưng mỗi thời mỗi khác, và để bước được đến tuổi “bà chăm ông" thì còn phải đi qua một đoạn đường đời khá dài trong quá trình nuôi dạy con cái chung của cả hai trưởng thành, chỉ sợ lại thêm lần nữa đứt gánh giữa đường.