Tái khởi động, kinh tế Hà Nội tháng 5 dần phục hồi

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng 5, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát, nhờ đó hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn Hà Nội đã tích cực hơn song vẫn còn khó khăn phía trước.

Trước tình hình đó, TP đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp vừa phòng chống dịch, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Công nghiệp, thương mại, du lịch… tăng trong tháng nhưng giảm so với cùng kỳ

Trong tháng 5, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát, nhờ đó hoạt động sản xuất công nghiệp đã dần phục hồi so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 12,3% so với tháng 4 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3% và tăng 1,3%; sản xuất, phân phối điện tăng 15,3% và tăng 3,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5% và tăng 5,3%; khai khoáng tăng 15,4% và giảm 3,2%.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước như: Chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, sản xuất hóa chất, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu…

Tuy nhiên, có một số ngành vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống giảm 19,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 17,9%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 38,7%;  sản xuất thiết bị điện giảm 6,4%; sản xuất trang phục giảm 6,2%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,3%; sản xuất, phân phối điện tăng 5,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%; khai khoáng giảm 14,4%.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng đạt 46,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,9% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 30,3 nghìn tỷ, tăng 18,1% và tăng 8,6%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần tháng trước. Doanh thu dịch vụ khác đạt 12,1 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần tháng trước và tăng 3,6%.

Tuy doanh thu bán lẻ hàng hóa gấp 3 lần tháng trước nhưng vẫn giảm 16,4% so cùng kỳ. Hoặc như doanh thu lữ hành đạt 300 tỷ đồng, gấp 8 lần tháng trước nhưng lại giảm 69,1% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 212,8 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ tăng 6,4%; khách sạn, nhà hàng giảm 36%; du lịch, lữ hành giảm 54,8%; dịch vụ giảm 11,6%.

Tổng doanh thu ngành vận tải và bưu chính chuyển phát tháng 5 ước tính đạt 10,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34,7% so với tháng trước và giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 1.120 triệu USD, giảm 4,7% so với tháng trước và giảm 13,7% so cùng kỳ năm 2019; tính chung 5 tháng đầu năm đạt 5.339 triệu USD, giảm 8,5%. Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đạt 11,2 tỷ USD giảm 13,5%.

Từ đầu tháng 5, khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch Covid-19, ngành Du lịch Hà Nội bắt đầu khởi động trở lại các hoạt động nhằm thu hút du khách, nhất là khách du lịch trong nước. Đến nay, nhiều điểm du lịch, văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa đón khách trở lại, dù số lượng khách còn khiêm tốn. Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng Năm ước tính đạt 13.000 lượt khách (chủ yếu là khách đến với mục đích thương mại, doanh nhân, công nhân trở lại làm việc và khách quốc tế từ các địa phương khác về Hà Nội), tăng 109,7% so với tháng trước và giảm 95,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 684 nghìn lượt khách, giảm 64,8% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng Năm ước tính đạt 28.000 lượt khách, tăng 7,2% so với tháng trước và giảm 97,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, khách trong nước đến Hà Nội ước tính đạt 1,7 triệu lượt khách, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Vốn đầu tư xã hội tăng khá

Bên cạnh các giải pháp kích cầu thị trường nội địa, kích cầu tiêu dung, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng hóa, TP thúc đầu tư công để phát triển kinh tế.

Tháng 5, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN trên địa bàn TP ước tính đạt 3.810 tỷ đồng, tăng 46,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 5 tháng đầu năm thực hiện được 13.358 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 29,4% kế hoạch vốn năm 2020. Trong đó: Vốn đầu tư thực hiện cấp TP đạt 7.056 tỷ đồng, giảm 4,3% so cùng kỳ năm trước và đạt 34,6% kế hoạch năm; vốn đầu tư thực hiện cấp quận, huyện đạt 5.649 tỷ đồng, tăng 8,1% và đạt 24,7%; vốn đầu tư thực hiện cấp xã, phường đạt 653 tỷ đồng, tăng 21,9% và đạt 31,8%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước giảm, lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm 2020 của TP Hà Nội đạt 1,56 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 9.160 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án mới, 26 dự án điều chỉnh tăng vốn. Với con số trên, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) xếp Hà Nội nằm trong số tỉnh, TP thu hút khá. Nếu xét theo số lượng dự án thì Hà Nội đứng thứ hai với 258 dự án.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2020, TP có 12.260 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 181.400 tỷ đồng, giảm 10% về số lượng nhưng tăng 9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019; có 1.261 DN thực hiện thủ tục giải thể, 7.075 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, 3.669 DN hoạt động trở lại.

TP hỗ trợ kinh phí cho DN thành lập mới; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh triển khai các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP đến cuối tháng 5 ước đạt 2.163 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 2,4% so với cuối năm 2019, trong đó: Dư nợ cho vay đạt 1.942 nghìn tỷ đồng, tăng 0,44% và tăng 2,63%; đầu tư đạt 221 nghìn tỷ đồng, bằng tháng trước và tăng 0,38%. 

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu đầu tư

Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát, nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các nước đối tác lớn, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và TP Hà Nội đều bị ảnh hưởng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Hà Nội tập trung quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế; Trong đó, chú trọng phát triển dịch vụ tiêu dùng cá nhân, thương mại nội địa; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và nông nghiệp…

Tiếp tục bảo đảm tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa; triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội…Tăng năng lực phản ứng thị trường và phản ứng chính sách, chủ động đón bắt thời cơ và khai thác tốt các cơ hội mới từ các Hiệp định Thương mại tự do… Sắp xếp lại các chuỗi cung ứng hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước và đa dạng hóa thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, TP triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế: Thực hiện rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ TP và Đại hội Đảng toàn quốc...

Cải cách triệt để, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 237 dịch vụ công còn lại của TP, đồng thời mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các phương thức kinh doanh mới và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống dựa trên các nền tảng số hóa, khả năng phân tích dữ liệu lớn (big data) và thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ...

Các sở ban ngành TP đang tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 07/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong “trạng thái bình thường mới”.