Tai nạn giao thông nghiêm trọng, vi phạm nhiều, xử phạt ít

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tình trạng các vụ tai nạn nghiêm trọng trong thời gian qua, tài xế lái xe sử dụng ma túy, xe quá khổ, quá tải vẫn băng băng chạy từ nơi này sang nơi khác vẫn qua mắt được lược lượng chức năng, có không những sai phạm này do quản lý chưa nghiêm, trong đó có sự “tiếp tay” của chính những người thực thi công vụ.

Đó là vấn đề được đặt ra tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 6/3, về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Có biểu hiện “nhờn” luật
 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm những vẫn rất nghiêm trọng (TNGT đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm gần 8.200 người chết và hơn 14.700 người bị thương). “Trung bình mỗi ngày có khoảng 23 người mãi mãi không bao giờ về nhà nữa” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói. Cùng với đó, công tác quản lý người điều khiển phương tiện, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông, quản lý vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ… đều còn những hạn chế, tồn tại.
Tại phiên giải trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ đã nêu 11 vấn đề lớn đề nghị các cơ quan liên quan trả lời. Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình khi việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao. Một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý.
“Từ ngày 16/11/2016 đến ngày 15/2/2019 đã xử lý 344 cán bộ chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác”- nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp trích dẫn báo cáo của Bộ Công an. Cùng với đó, tình trạng xe quá tải chưa được xử lý triệt để, diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường, có dấu hiệu tái diễn tại các quốc lộ, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, là nguyên nhân mất trật tự ATGT, hư hỏng kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, kết quả xử lý vi phạm còn hạn chế, chỉ có 10-12% số xe được kiểm tra vi phạm về tải trọng là chưa phản ánh đúng số lượng và tình hình vi phạm trên thực tế. “Có tình trạng tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí là “bảo kê” cho vi phạm, “bảo kê” cho xe vua” - Ủy ban Tư pháp nêu rõ.
 Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhìn nhận, xử lý Nhà nước về vi phạm pháp luật về ATGT không nghiêm trong tất cả các lĩnh liên quan tới vi phạm pháp luật và tội phạm về ATGT. Do đó xe chở quá tải đi qua các con đường, khi bị phát hiện thì các cơ quan kiểm soát trước đó phải chịu trách nhiệm.
“Các đồng chí cứ nói ý thức của dân, người tham gia giao thông nhưng theo tôi, đầu tiên là trách nhiệm xử lý của cơ quan quản lý nhà nước không nghiêm từ cấp bằng lái xe đến xử lý xe chở quá tải… Như có xe chạy từ Lạng Sơn về Cà Mau, nhưng về đến tận Cà Mau mới phát hiện được chở quá tải. Tại sao lại lọt qua bao nhiêu trạm như vậy? Chúng ta cứ tìm nguyên nhân đâu đâu, trong khi nguyên nhân là ở chính chúng ta, do xử lý không nghiêm. Do đó, đây là vấn đề mà chúng ta cần ưu tiên tập trung để giải quyết" - ông Quyền nhấn mạnh.
Trước những vấn đề đặt ra, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết: Trên tinh thần cầu thị, Bộ lắng nghe và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của lực lượng công an nói chung và CSGT nói riêng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Xử nghiêm cả với doanh nghiệp đề tài xế dùng ma túy
Đề cập đến vấn đề lái xe sử dụng ma túy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề: Tại sao qua 4-5 kênh để rà soát mà vẫn lọt?. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, dù ghi nhận đóng góp của cảnh sát giao thông nhưng cử tri bức xúc về mãi lộ, tiêu cực trong xử lý. Do đó, trước khi giáo dục dân thì phải giáo dục người thi hành công vụ.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Bá Sơn kiến nghị cần cấm vĩnh viễn không cho hành nghề lái xe đối với những tài xế sử dụng ma túy. Khi phát hiện tài xế sử dụng ma túy thì thu bằng lái và ghi thẳng vào hồ sơ để không cấp bằng lái cho người đó nữa.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cũng đồng tình với giải pháp thu bằng lái và cấm 6 tháng - 1 năm, thậm chí cấm vĩnh viễn tài xế nếu kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết, điều lo ngại nhất là số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao dù số vụ giảm. Tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất gây nghiện đang là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn đặc biệt. Số vụ việc nghiêm trọng liên tiếp xảy ra từ cuối năm 2018, đặc biệt nghiêm trọng là vụ tai nạn ở Long An, do tài xế container có sử dụng ma túy khiến 4 người chết và 17 người bị thương khi đang chờ đèn đỏ.
 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, mức xử phạt đối với tài xế dùng ma túy gây tai nạn giao thông còn thấp. Cần phải xử lý hình sự nghiêm khắc đối với một số TNGT nghiêm trọng. Đồng thời, cũng xử lý đối với chủ DN vận tải khi để tài xế sử dụng ma túy điều khiển phương tiện gây TNGT.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết: Quản lý vận tải tới đây sẽ theo hướng “quy trách nhiệm của chủ DN vận tải khi để xảy ra TNGT. Đối với tài xế gây TNGT nghiêm trọng, ngoài các hình thức xử lý khác, Bộ sẽ tăng thời gian tịch thu bằng lái 10 - 15 năm thay vì 2 năm như hiện nay
Đối với cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, nếu vi phạm, nhẹ thì xử lý, nặng thì đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đào tạo, sát hạch lái xe.
Cùng với đó, nguyên nhân gây TNGT do hạ tầng cũng đang được ngành GTVT khắc phục. Bộ GTVT kiên quyết xử lý các “điểm đen” TNGT. Năm 2018 đã xử lý hơn 200 “điểm đen”, năm 2019, rốt ráo xử lý các “điểm đen” còn lại và xử lý các “điểm đen” tiềm ẩn.
Đề xuất tăng giám sát tối cao về an toàn giao thông
Kết luận phiên giải trình, trước tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm TTATGT đang diễn ra phức tạp, tình hình TNGT nghiêm trọng, với số lượng lớn, đáng báo động về số người chết, người bị thương, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao về việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT.
Đối với Chính phủ cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT. Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đề nghị lắp đặt 100% hệ thống camera tại các điểm tuần tra, kiểm soát giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.
Bộ Giao thông Vận tải nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh để yêu cầu các cơ sở đào tạo bắt buộc phải có thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết tập trung, thời gian học lái xe.  
Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người học lái xe và người tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan trong việc quy định và tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất ma túy, nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông...
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần