Tại phường Láng Thượng: Phá tường chung cư làm nơi kinh doanh, người dân lo sợ

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn phản ánh của cư dân sinh sống tại khu tập thể 74 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) về việc cá nhân thuê căn hộ đã đập phá tường chịu lực của chung cư. Việc làm này khiến hàng trăm người dân sinh sống lo sợ xảy ra nguy cơ đổ sập, đe dọa tính mạng và tài sản của cư dân.

Ngang nhiên đập phá tường chịu lực nhà chung cư
Theo phản ánh của các hộ dân, tòa nhà chung cư 74 Nguyễn Chí Thanh (thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đây vốn là khu tập thể của cán bộ công nhân viên thuộc Tổng Công ty xây dựng cầu Thăng Long. Khu chung cư được xây dựng 5 tầng, với 20 căn hộ. Thiết kế bán vĩnh cửu với cột bê tông, cốt thép, sàn được lắp bằng tấm panen rời…
Ông Vương Kim nhà ở tầng 4 (thay mặt Ban quản trị nhà chung cư) bày tỏ lo lắng: “Đến thời điểm hiện nay, hàng trăm cư dân đang bất an vì tính mạng và tài sản đang bị đe dọa. Nguyên nhân là do bức tường chịu lực tại tầng 1 tòa nhà này đã bị một chủ quán phá đi để tiện cho việc kinh doanh”.
 Tường chịu lực chung cư số 74 Nguyễn Chí Thanh bị đập phá để làm nơi kinh doanh khiến người dân lo lắng. (ảnh: Đạt Lê).
Cũng theo ông Kim, khởi nguồn của sự việc là vào tháng 3/2010, căn hộ số 103, tầng 1 (chủ hộ là ông Đỗ Hữu Chí và vợ là Trần Thị Quý). Tuy nhiên, chủ hộ này đã rời đến nơi khác ở và cho một cá nhân khác thuê lại căn hộ. Người thuê đã cho phá dỡ 70% mặt cắt ngang bức tường chịu lực đầu hồi dày 33cm phía đường Nguyễn Chí Thanh để làm cửa đi, đập bỏ 100% bức tường chịu lực phía sau nhà, đập bỏ toàn bộ tường ngăn trong nhà.
Về việc làm trên, khi phát hiện, các cư dân sinh sống tại khu tập thể bức xúc đã quyết liệt phản đối, đồng thời có đơn phản ánh đến UBND phường Láng Thượng. Sau đó, qua nhiều lần chính quyền họp bàn giải quyết nhưng sự việc vẫn không được xử lý triệt để?. “Sự vụ được giải quyết, họp bàn lần cuối vào ngày 5/4/2011 khi UBND phường Láng Thượng đã đưa ra văn bản số 82/UBND/TTXD. Điều đáng nói, văn bản này chính quyền lại yêu cầu cư dân tự đi kiểm định độ an toàn của tòa nhà?” – Một người dân bức xúc… Cũng từ đó người dân sinh sống trong chung cư luôn hoang mang lo lắng vì cùng thời điểm này (tháng 3/2011, xảy ra sự cố sập nhà 5 tầng số 49 Huỳnh Thúc Kháng và kéo theo đó 1 liền kề của nhà 51 sập đổ).
Tường tiếp tục bị phá, phường không hay biết?
Sự việc không dừng lại ở đó, cư dân vẫn bất bình cho rằng UBND phường Láng Thượng không giải quyết thỏa đáng. Và sau 7 năm, sự việc tưởng chừng bị rơi vào lãng quên. Thế nhưng, đến tháng 7/2017, chủ căn hộ 103 lại cho một cá nhân khác thuê làm cửa hàng bán đồ uống. Chủ quán tiếp tục cho sửa chữa và tiến hành đập phá thêm 20% mặt cắt ngang bức tường chịu lực đầu hồi (phía mặt đường Nguyễn Chí Thanh) của chung cư; phá tường ngăn giữa 2 căn hộ 103 và 101.
Ông Vương Kim cho biết, mặc dù người thuê phá tường chung của khu tập thể như vậy nhưng lực lượng chức năng của phường cũng không hay biết. Khi người dân phát hiện phản ánh lên thì phường mới cho cán bộ xuống kiểm tra và lập biên bản. Sau đó, qua 4 lần người dân gửi đơn thì UBND phường Láng Thượng mới giải quyết bằng cách ra văn bản yêu cầu chủ hộ 103 khắc phục. Theo đó, phải xây lại 20% bức tường chịu lực đầu hồi và bức tường mới đập phá.
Sau văn bản của phường, cư dân lóe lên hy vọng tuy nhiên, sự việc vẫn không được phía chủ hộ hay người thuê nhà thực hiện khắc phục xây lại theo hiện trạng cũ. “Các hộ dân bất đắc dĩ tiếp tục đem câu hỏi tới lãnh đạo UBND phường Láng Thượng. Vậy nhưng, tại cuộc họp ngày 12/10/2017, bà Đoàn Thị Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng lại trả lời “đơn cũ đã quá 2 năm nên không giải quyết? Không hiểu vị phó chủ tịch căn cứ vào quy định nào, luật nào?”. – Ông Vương Kim nói.
Trước những thông tin, bức xúc của cư dân, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường Láng Thượng nhằm làm rõ sự việc; Tại buổi làm việc, bà Đoàn Thị Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng – cho biết: “Vụ việc xảy ra từ nhiều năm trước khi tôi về làm nhiệm vụ tại phường”.
Phóng viên hỏi: Vậy những việc chưa giải quyết dứt điểm, người dân vẫn bức xúc có đơn phản ánh hiện nay thì phường không có trách nhiệm giải quyết nữa?, bà Thanh phân trần rằng, đối với những vụ việc xảy ra trước đó thì các lãnh đạo cũ đã tiếp nhận xử lý. Đề cập đến việc người thuê nhà số 103 tiếp tục phá tường nhà vào tháng 7/2017 vì sao phường biết lại không xử lý, dẫn đến đơn thư kéo dài? bà Thanh cho rằng chỉ cải tạo nội thất và thanh tra xây dựng đã kiểm tra (?!). Lúc này, bà Thanh có cho gọi một cán bộ Thanh tra xây dựng tại phường lên để cùng trao đổi.
Chúng tôi đặt câu hỏi về việc chủ quán đập phá như vậy thanh tra xây dựng phường có biết và lập biên bản không? Vị này trả lời lòng vòng rằng: Họ thuê lại căn hộ chỉ cải tạo bên trong, mở rộng cửa sổ mà việc này thanh tra không kiểm tra. Chỉ khi họ đã làm, người dân có phản ánh thì thanh tra mới xuống kiểm tra… Phóng viên hỏi: Vậy chức năng, nhiệm vụ của thanh tra xây dựng ở đâu, khi mà người dân phát hiện vi phạm thì mới có mặt để giải quyết, nếu xảy ra đổ sập thì ai chịu trách nhiệm? Vị cán bộ thanh tra tiếp tục biện minh quanh co.
Đề cập về hướng giải quyết vụ việc, vị nữ Phó Chủ tịch UBND phường cho hay: Vụ việc sau đó được phường giải quyết và yêu cầu đơn vị thuê nhà khắc phục, có chữ ký của các bên và cư dân đồng ý. Thế nhưng, hỏi về biên bản này thì vị lãnh đạo này nói cán bộ lưu giữ đi vắng(?).
Như lời bà Phó Chủ tịch cho rằng người thuê nhà đã khắc phục phần tường phá dỡ, cư dân đồng ý về việc khắc phục; tuy vậy, trên thực tế thì lại hoàn toàn khác.Các cư dân vẫn tiếp tục bức xúc gửi đơn tố hành vi phá bức tường chịu lực chung của chung cư đến nay vẫn chưa được xây lại. Điều này, đồng nghĩa với việc hàng trăm người dân tiếp tục sống trong sự lo lắng và hoang mang bởi nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào…