Tại sao các hãng hàng không châu Âu liên tiếp phá sản?

Nguyễn Thu (Theo CNN Money)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 hãng hàng không gồm Air Berlin (Đức), Alitalia (Italia) và Monarch (Anh) tuyên bố phá sản chỉ trong vòng 50 ngày đã đặt ra câu hỏi về tình trạng sức khỏe của ngành hàng không của châu Âu, một nơi đang chịu tác động mạnh bởi sự cạnh tranh khốc liệt và sự thay thế của các mô hình kinh doanh.

Từ tháng 8 đến nay, 3 hãng hàng không châu Âu đã “nối gót” nhau phá sản. Hãng Air Berlin của Đức và hãng hàng không quốc gia Alitalia của Italia đã mở đầu cho sự sụp đổ hàng loạt của hàng không châu Âu. Tiếp đó, hôm 2/10 vừa qua, đến lượt hãng Monarch Airlines (Anh) tuyên bố phá sản, khiến 110.000 hành khách bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Cả 3 hãng bay cùng rơi vào cảnh đổ vỡ chỉ trong vòng 50 ngày đã đặt ra câu hỏi về tình trạng sức khỏe của ngành hàng không châu Âu, khu vực đang diễn ra cạnh tranh khốc liệt và sự dịch chuyển mô hình kinh doanh.
Vụ phá sản của Monarch là vụ phá sản lớn nhất lịch sử ngành hàng không Anh. 
Các nhà phân tích dự đoán sẽ có thêm những vụ phá sản tiếp theo trong thời gian tới, khi những hãng hàng không nhỏ và yếu hơn chịu sức ép ngày càng lớn. “Vấn đề chính nằm ở quy mô và sự cạnh tranh”, nhà phân tích Rob Byde thuộc Cantor Fitzgerald cho biết.
Theo ông Fitzgerald, có thể sẽ có thêm những vụ sáp nhập và đổ vỡ trong ngành hàng không châu Âu.
Những hãng hàng không giá rẻ như Ryanair và EasyJet đã chiếm một thị phần lớn ở châu Âu nhờ tung ra những chuyến bay có giá chỉ từ 10 bảng Anh (khoảng 13,3 USD), một mô hình giúp họ lấp kín chỗ trên các chuyến bay và khiến các hãng đối thủ gặp khó khăn.
“Khi ngành hàng không nhận thấy nguồn cung ghế tăng nhanh hơn nhu cầu, họ sẽ giảm giảm giá”, nhà phân tích độc lập về ngành hàng không Louise Cooper phát biểu. Bà Cooper cho rằng đó là khi cuộc cạnh tranh khốc liệt bắt đầu.
Các hãng bay nhỏ không thể chạy đua nổi với các hãng bay giá rẻ hàng đầu vì họ thiếu quy mô để đàm phán giảm giá các yếu tố đầu vào như xăng dầu. Trong khi đó, những khoản chi phí lớn và kỳ vọng đã ngăn cản các hãng hàng không quốc gia áp dụng chiến thuật bán vé giá rẻ.
Gerald Khoo, chuyên gia phân tích vận chuyển tại ngân hàng đầu tư Liberum cho biết, những hãng hàng không yếu nhất sẽ bị đẩy sang một bên. “Mô hình chung của những hãng hàng không bị phá sản là họ đều gặp khó khăn về tài chính trong nhiều năm, chịu áp lực từ các đối thủ mạnh hơn”, ông Khoo nói.
Những vấn đề khác của ngành, gồm việc thiếu phi công và khủng bố khiến các hãng hàng không như Monarch tránh những điểm du lịch nổi tiếng như Tunisia và Ai Cập.
Ông Byde nói rằng nỗi sợ khủng bố đã buộc hãng hàng không Monarch thay đổi một số chuyến bay tới những tuyến đông khách hơn, nơi họ không thể tìm được lợi thế cạnh tranh.
Đối với những hãng hàng không có tiềm lực tài chính mạnh, thử thách này sẽ mang lại những cơ hội mới.
Tuần trước, hãng Qatar Airways đã công bố sẽ mua lại cổ phần thiểu số của hãng hàng không Italia Meridiana, một động thái giúp mở rộng mạng lưới của họ tại châu Âu.
Vụ phá sản của Monarch là vụ phá sản lớn nhất lịch sử ngành hàng không Anh. Tuy nhiên, Deirdre Hutton - Chủ tịch Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA) của Anh nói rằng, bà không lo ngại về sự sụp đổ của các hãng hàng không khác của London.
“Tôi thực sự không cảm thấy lo lắng. Tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề của riêng hãng Monarch”, bà Hutton trả lời phỏng vấn của CNN Money.
Theo bà Hutton, CAA sẽ chịu trách nhiệm đưa các hành khách của Monarch trở lại Anh trong vòng 2 tuần tới.
Bà Hutton cũng cam kết 110.000 hành khách đó rằng chuyến bay của họ sẽ được sắp xếp để chỉ cách chuyến bay ban đầu một vài tiếng, nhằm tránh làm gián đoạn kỳ nghỉ của họ.
Sự sụp đổ lớn nhất trong lịch sử hàng không của Anh cũng đã ảnh hưởng tới 750.000 hành khách đặt trước chuyến bay và gói du lịch của hãng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần