Tại sao lại thế?

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu “Kong: Skull Island” ồn ào trong dư luận suốt tuần qua với một sự hứng khởi, cậy tin; thì bên cạnh nó, câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em lại xôn xao với một nỗi đau lòng khó tả và một dấu hỏi đầy bức xúc: Tại sao lại thế?

Không hỏi sao được khi mà nỗi ám ảnh đã bao trùm lên tuổi thơ của những đứa trẻ, nỗi đau đớn, ân hận đã phủ kín trái tim của người làm cha mẹ, còn nỗi hoang mang lo lắng trong cộng đồng thì như vết dầu loang trên biển. Không bức xúc sao được khi người ta nhẩm tính có đến 15 cơ quan liên quan đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vậy mà tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) cứ theo đà tăng lên. Đã thế, khi chuyện xảy ra, người ta không biết cậy nhờ nơi nào. Thậm chí, chuyện xảy ra, nỗi đau của người lớn và nỗi ám ảnh của con trẻ dài tới 1 - 2 - 3 năm, mà vẫn chưa đi đến hồi kết, chưa có câu trả lời xác đáng từ phía cơ quan chức năng, kẻ phạm tội vẫn dửng dưng và điềm nhiên sống. Chỉ đến khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, sự vụ mới rục rịch hé mở con đường ra trước tòa phán xử. Chẳng nói đâu xa xôi, vụ việc xảy ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu là thế!
 Ảnh minh họa
Trách gia đình trẻ bị xâm hại âm thầm không lên tiếng một phần, vì dẫu sao người lớn có cái khó của họ khi lo lắng xa xôi đến con đường tương lai đứa trẻ đi sau này, nhất là trong khuôn khổ văn hóa Việt. Song không phải ngẫu nhiên mà khảo sát nhanh trên một diễn đàn báo chí mới đây với câu hỏi: “Tại sao các vụ XHTD trẻ em chậm được xử lý” lại cho kết quả đáng giật mình: 44,2% người cho rằng do cơ quan lập pháp ít quan tâm, 22,9% khẳng định Việt Nam đang thiếu các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em, 16,3% thân nhân và nạn nhân muốn giấu thông tin. Phải nói rằng đây là những con số đáng suy ngẫm, cần giải mã để khơi thông con đường đến ánh sáng và đẩy lùi nạn XHTD trẻ em. Bởi rõ ràng, các tổ chức liên quan đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em không thiếu, thậm chí có người còn cho rằng con số đó là thừa. Vấn đề nằm ở nỗ lực vào cuộc của những người có trách nhiệm về việc này đến đâu.
Những vụ XHTD trẻ em bung ra trong dư luận thực ra mới chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng lớn đang chìm trong im lặng và sự lo lắng. Nhưng hồi chuông cảnh báo cho vấn nạn này đã gióng giả và đầy hối thúc, những gia đình có con chịu cảnh XHTD đã được tư vấn, động viên: Hãy mạnh dạn nói ra, đừng giữ sự việc trong im lặng để cứu chính con mình và cứu những đứa trẻ khác trong cộng đồng! Hãy mạnh dạn nói ra một cách thông minh với tinh thần đặt lợi ích của đứa bé lên hàng đầu! Song nếu những người đang mang trên vai danh nghĩa bảo vệ chăm sóc trẻ em còn tiếp tục thờ ơ, đá bóng trách nhiệm hay ngồi chờ chỉ đạo, thì câu hỏi “Tại sao lại thế?” nặng nề và bức xúc kia chưa thể tìm ra câu trả lời.