Tại sao sách bị thu hồi vẫn được bày bán công khai?

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 4 tháng kể từ khi NXB Mỹ Thuật có công văn thu hồi và sửa chữa cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến (1950 – 1954)”, cuốn sách này vẫn công khai bày bán trái phép trên thị trường.

Bức xúc trước sự việc, họa sĩ Nguyễn Trần Minh - con trai cố hoạ sĩ Nguyễn Trọng Kiệm, tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng đề làm rõ và xử lý vụ việc.
Bôi nhọ danh dự cố họa sĩ
Trong đơn gửi đến NXB Mỹ Thuật, gia đình cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Kiệm đã nêu rõ những chi tiết sai sự thật, bôi nhọ danh sự họa sĩ từng được nhiều Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước. Cụ thể: Chi tiết “Là con nuôi, sau đổi thành em nuôi”, “phải tha hương cầu thực” (trang 127) là sai sự thật bởi cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm là thành phần giai cấp vô sản chứ không phải đi xa xứ ăn xin và ông không có bố nuôi.
 Cuốn sách ''Họa sĩ khóa kháng chiến (1950 – 1954)'' vẫn được bày bán công khai trên thị trường.
Về đời sống cá nhân của cố họa sĩ, cuốn sách có nêu: “Một tiếng thở dài thời thế” (trang 126)… “cuộc đời của ông nhiều phần bị chìm khuất sau ấn tượng về một người uống rượu” (trang 127)…“Ông Kiệm uống rượu nhiều” (trang 131)… “thường, người uống rượu nhiều bởi những nguyên do sâu xa theo hướng bất mãn thực tế…”(trang 132)… “Ông Kiệm cũng có ý buồn vì không được cất nhắc…ông Kiệm có thành phần xuất thân tốt như thế, sao không được bằng người ta …Việc ông Kiệm không được cất nhắc phải chăng cũng vì những mắc mứu của một người ngang tàng, dám tuyên bố chỉ thích những thứ nghệ thuật vốn không thuộc dòng chính thống đương thời?.. ” (trang 132-133)… “về chuyện cất nhắc vị trí này nọ trong cơ quan, có lẽ việc uống rượu nhiều của ông ấy cũng là một yếu tố cản trở...” (trang 133)
Ngay về xuất thân của cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm, tác giả Đào Mai Trang cũng có những đánh giá thiếu chính xác: “do hạn chế nhất định trong vốn kiến thức chung” (trang 128) ... “ông Kiệm không có điều kiện thiên về học thuật, ông vẽ bằng bản năng mạnh mẽ mà thôi” (trang 129), “việc chịu khó đọc sách…nếu họa sĩ có ý thức… Nhưng tôi không chắc ông Kiệm có thể đọc hết một vài cuốn sách nào đó về nghệ thuật..…ông có đọc sách nhưng để đọc hết một cuốn sách, tôi e rằng khó … chuyện này chứng tỏ là con người ta, khi có một vốn chữ nghĩa giới hạn cũng chỉ có thể tiếp nhận kiến thức ở một mức độ nào đó mà thôi.… phải nói thêm, ông Kiệm là một người có trình độ học vấn thấp nhất trong khóa kháng chiến” (trang 130).
Sau xin lỗi vẫn làm sai
Trước đó, ngày 06/10/2017, anh Nguyễn Trần Minh - con trai cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm đã gửi đơn kiến nghị đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm yêu cầu thu hồi và dừng phát hành cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến (1950 – 1954)” của tác giả Đào Mai Trang do có những nội dung xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm. Ngay sau đó, phía NXB Mỹ Thuật đã có công văn xin lỗi và đưa ra phương án khắc phục là bỏ toàn bộ phần viết về cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm trong cuốn sách, gia đình họa sĩ Trần Minh sẽ cung cấp bài viết, ảnh chân dung và ảnh tranh tác phẩm tiêu biểu của cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm để in lại bù vào phần bỏ đi đó.
 Họa sĩ Nguyễn Trần Minh cùng mẹ là bà Trần Thị Minh Mẫn - vợ cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm
Tuy nhiên, đã gần 4 tháng nay, phía nhà NXB cũng như bản thân tác giả Đào Mai Trang vẫn chưa có động thái nào khác nhằm giải quyết vấn đề trên. Sự việc được đẩy lên tới đỉnh điểm khi cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến (1950 -1954)” chưa được chỉnh sửa vẫn đang bày bán công khai tại nhà sách ArtBook (43 Đồng Khởi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Chia sẻ về vấn đề trên, họa sĩ Nguyễn Trần Minh cho biết: “Tất cả những thông tin tác giả Đào Mai Trang có được đều chỉ là suy đoán, nhưng suy đoán mà dám nói ra rồi viết thành sách thì không được. Theo như công văn NXB trả lời tôi thì cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến (1950 - 1954)” chưa được phép phát hành, cũng chưa được phép công khai trên thị trường mà nay vẫn được bày bán. Khi xảy ra vụ việc lần trước, gia đình và tôi cũng đã có thái độ rất cầu thị. Tuy nhiên, ngay cả bản thân tác giả cũng chưa liên lạc trực tiếp với gia đình tôi sau sai sót đó”.
Để giải quyết dứt điểm, ngày 12/1/2018 anh Nguyễn Trần Minh tiếp tục gửi đơn lên các cơ quan chức năng, trong đơn anh trích dẫn và dẫn giải một số chi tiết trong cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến (1950 - 1954)” có nội dung bôi nhọ danh dự cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm.
Trước sự việc cuốn sách vẫn được bày bán công khai dù đã có công văn thu hồi, ngày 12/1/2018, họa sĩ Nguyễn Trần Minh vẫn tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý vụ việc theo đúng pháp luật. Đồng thời, anh cũng yêu cầu tác giả Đào Mai Trang và những người liên quan xuất bản cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến (1950- 1954)” phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm (sinh 1/1/1934 tại Hưng Yên, mất ngày 29/8/ 1991 tại Hà Nội) là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Trong quá trình công tác ông được tặng Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam.
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Kiệm đã được tặng Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc: Huy chương Vàng năm 1985 và Giải Nhì năm 1960; Giải Nhì Triển lãm Mĩ thuật về đề tài lực lượng vũ trang chiến tranh cách mạng năm 1984; Giải Nhì Triển lãm Mĩ thuật Thủ đô năm 1991. Năm 2001 hoạ sĩ Nguyễn Trọng Kiệm đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Bác Hồ ở Pắc Bó- Sơn dầu - 120x150cm (1984); Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân - Sơn dầu - 130x160cm (1985); Những nẻo đường kháng chiến - Sơn mài -58x87cm (1960); Xâu kim - Sơn dầu - 69x90cm (1958); Hòa bình xây dựng - Sơn dầu -140x180cm (1960); Khi đứa con ra đời - Sơn dầu -140x190cm (1960); Vật kỷ niệm của người cha - Sơn dầu - 120x150cm (1965); Ghé thăm nhà - Lụa- 65x45cm (1958).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần