Tại sao thế giới thức dậy với cà phê Việt Nam?

Thu Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là tên bài báo đăng trên CNN mới đây. Dù dịch bệnh do corona virus đang khiến nhiều người lo lắng, nhưng bài báo khiến người đọc, nhất là người Việt Nam, có thể tự hào về một nền “văn hóa cà phê” hết sức đặc sắc của mình. Nền văn hóa, mùi thơm cà phê quyến rũ đó đang khiến cả thế giới thức giấc.

Rob Atthill nói rằng anh ta đã "phải lòng" cà phê Việt Nam ngay lần đầu tiên đến thăm quốc gia Đông Nam Á này, vào năm 2004.
Là người tiên phong của nền ẩm thực đường phố Việt Nam tại London (Anh), 2 năm sau đó, Atthill bắt đầu nhập khẩu cà phê - được trồng bởi những người nông dân ở Tây Nguyên và rang xay ở TP Hồ Chí Minh. Anh cho biết doanh số bán cà phê, thông qua Công ty Ca Phe Việt Nam, đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới (sau Brazil). Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam xuất khẩu khoảng 25 triệu bao, 60kg/bao, cà phê mỗi năm, có giá trị trung bình xấp xỉ 3 tỷ đô la Mỹ.
 Ảnh minh họa.
Thức uống cà phê bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam năm 1850, do người Pháp giới thiệu, để giờ đây nó trở nên phổ biến, trở thành phong cách sống của đông đảo người dân. Nơi bán cà phê có ở các hè phố, quán bình dân lẫn những quán cà phê hiện đại được thiết kế bắt mắt.
"Đó là về việc kết nối bạn bè" - Will Frith, một nhà tư vấn cà phê sở hữu một DN rang xay cà phê ở TP Hồ Chí Minh nói. Ông nói rằng những người uống cà phê có xu hướng tụ tập trong quán cà phê yêu thích của họ, hoạt động như "không gian thứ ba", bên ngoài nhà và nơi làm việc, và thường hình thành tình bạn với chủ quán và nhân viên.
Cách pha cà phê theo kiểu của Việt Nam cũng đặc biệt. Cà phê pha vào phin, đặt phin lên một cái cốc nhỏ và chờ đợi từng giọt cà phê rơi. Thông thường, cà phê uống với đường, hoặc sữa.
Sahra Nguyễn đã ra mắt Cà phê Nguyễn tại Brooklyn, New York vào năm 2018. Cô mua hạt cà phê từ một trang trại do gia đình trồng ở Tây Nguyên và tự rang chúng. Gần đây, Sahra Nguyễn đã cho ra mắt thức uống cà phê Grit - một sản phẩm 100% Robusta (loại cà phê phổ biến nhất ở Việt Nam). Nhìn chung, hơn ba phần tư số người thử nghiệm ưa thích Grit đến mức khiến cô “blew me away”- kiểu “phổng mũi” khi được khen, điều này chứng tỏ cà phê Việt Nam được chấp nhận và ưa chuộng.
Cà phê Việt Nam cũng đã trở lại Pháp, nơi truyền bá thức uống này cho Việt Nam. Vợ chồng Linh Nguyễn đã mở Hà Nội Góc ở trung tâm Paris hai năm trước. Cùng với cà phê, quán cà phê này còn cung cấp trà, bánh ngọt và các món ăn đường phố Việt Nam.
Việt Nam có "một nền văn hóa cà phê độc đáo", Nam Nguyen (một barista - nhà pha chế cà phê chuyên nghiệp, từng đoạt giải thưởng) cho biết. Cà phê Việt Nam với những doanh nhân, nhà chế biến trẻ ngày càng phong phú hơn. Thức uống này được pha chế nhiều kiểu hơn, bắt mắt hơn, phong phú về mùi vị. Có thể kể, ngoài cà phê đường hay sữa quen thuộc, còn có:
Cà phê muối, bắt nguồn từ cố đô Huế. Để có cà phê muối cần có thêm nguyên liệu là muối và sữa lên men trộn vào cà phê trước khi pha. Thức cà phê này có vị cà phê (đương nhiên), vị mặn của muối và ngậy của sữa lên men, ngon khó tả.
Cà phê trứng là đặc trưng của cà phê Hà Nội, ngoài cà phê còn có sữa và trứng.
Ngoài ra còn có cà phê nước cốt dừa, cà phê sinh tố (kết hợp với chuối hoặc bơ), cà phê sữa chua…
Cà phê Việt Nam “đánh thức thế giới” bởi những doanh nhân trẻ trong và ngoài nước. Một thế hệ mới của các nhà rang xay cà phê và doanh nhân cà phê Việt Nam đang tập trung vào chất lượng - chú ý đến chất lượng môi trường canh tác (đất, nước, phân bón…), thảo luận về phương pháp canh tác tốt nhất với nông dân và áp dụng các kỹ thuật chế biến. Từ đó, các nhà kinh doanh, pha chế, những chủ quán cà phê trên khắp thế giới sẽ cùng nông dân giúp cà phê Việt Nam ngon hơn, thơm hơn và sẽ khiến thế giới… tỉnh thức.