Tài trợ vốn cho nông nghiệp công nghệ cao: Các ngân hàng vào cuộc đua mới

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - BIDV vừa công bố sẽ triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Như vậy, đến thời điểm này có 4 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh tham gia gói tín dụng này.
Không chỉ còn là lĩnh vực riêng của Agribank
Trước đó, Vietcombank tài trợ 600 tỷ đồng cho dự án sản xuất trứng gà sạch với thời hạn vay 15 năm. Đồng thời tuyên bố đăng ký gói tín dụng 10.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực này với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay và ưu đãi lãi suất thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác.
Đại diện Vietinbank cũng cho biết, vừa tham gia tài trợ vốn chính cho dự án nhà máy cà phê hòa tan của Tập đoàn Intimex, tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Đến nay, Agribank đã triển khai gói 50.000 tỷ đồng cho nông nghiệp sạch và nông nghiệp CNC. Ngay cả các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như LienVietPostBank cũng tuyên bố dành 10.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp CNC, VietABank dành 500 tỷ đồng cho vay lĩnh vực này.
Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết, sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (CNC) và Bộ NN&PTNT, họ sẽ ưu tiên dành vốn để cho vay các DN đầu tư vào nông nghiệp CNC.
Theo đại diện NHNN, trước khi Thủ tướng yêu cầu mở rộng gói 50.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, một số ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp CNC với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với lãi suất thông thường. Toàn bộ nguồn vốn này là của các ngân hàng, không có gói tín dụng nào liên quan đến việc tái cấp vốn hay hỗ trợ từ ngân sách. Đây chính là phương án khả thi nhất, bảo đảm phù hợp cơ chế thị trường và có thể làm ngay.
Trên thực tế, nếu như trước đây, cho vay nông nghiệp nông thôn được coi là lĩnh vực riêng của Agribank, thì đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều quan tâm triển khai. Một số ngân hàng đã xây dựng chiến lược hướng về cho vay nông nghiệp nông thôn và tích cực triển khai trong thời gian vừa qua như BacABank (tỷ trọng chiếm trên 70% dư nợ); Co-opBank, SHB (tỷ trọng chiếm trên 40%)…
Chìa khóa cho tái cơ cấu nông nghiệp
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, chính sách của Nhà nước đang rất hỗ trợ cho nông nghiệp, chỉ cần đối tượng sản xuất, phân phối tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi liên kết hoặc có ứng dụng CNC là sẽ được đáp ứng ngay. Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, như nhà kính, nhà lưới… làm cơ sở để thực hiện giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn.
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, vẫn còn hàng loạt điểm nghẽn cho phát triển nông nghiệp CNC, trong đó trước hết và quan trọng nhất là đất đai. Cụ thể, đó là những vướng mắc liên quan tới hạn điền, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc chuyển đổi cây trồng hàng năm từ lúa sang các loại cây khác…

Trồng hoa lan theo công nghệ cao tại xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thanh Hải

Triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng từ 1/11/2016, lãnh đạo Agribank cho biết, trên thực tế, Ngân hàng đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi heo (Hà Nam, Đồng Nai…), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)… và bước đầu các mô hình này đã tạo được sự đồng thuận cao giữa các DN và người dân. Thời gian qua, để gọi vốn đầu tư vào nông nghiệp CNC, nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác tích tụ ruộng đất. Đây cũng là lý do khiến vốn đầu tư vào nông nghiệp CNC của các tỉnh này tăng mạnh.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III/2017. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp CNC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng trong tháng 3/2017.
Thực tế cho thấy, Chính phủ đang hết sức quyết liệt trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN. Trong đó có việc tập trung sửa Nghị định 210, Nghị định 59, báo cáo Quốc hội sửa Luật Đất đai để tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền. “Theo đó, thay vì sản xuất manh mún, đất giao lâu dài cho người dân thì giao nhiệm vụ cho các chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ thuê lại đất của dân để giao cho DN đầu tư trên phương thức sử dụng hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động ở trong khu vực nông thôn. DN làm nòng cốt, cùng với các HTX, các mô hình tổ hợp thực hiện vai trò vệ tinh. DN cung cấp giống, cung cấp kỹ thuật, cung cấp công nghệ và hướng dẫn quy trình để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm có giá trị, từ đó có thể thu mua sản phẩm của HTX, người dân” - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần