Tạm biệt… những thùng mì tôm

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, Đội tuyển futsal Việt Nam đã có mặt tại Tây Ban Nha để chính thức bước vào hành trình chuẩn bị cho World Cup futsal kéo dài hơn một tháng.

Theo kế hoạch, Đội tuyển futsal Việt Nam sẽ có chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha khoảng 2 tuần. Các cầu thủ sẽ có trận đấu giao hữu với Đội tuyển futsal Tây Ban Nha - nhà á quân thế giới. Sau đó, Đội tuyển sẽ có chuyến tập huấn tại Argentina - một nước có nền futsal cực mạnh.
Đội tuyển futsal Việt Nam trong một buổi tập.
Đội tuyển futsal Việt Nam trong một buổi tập.
Một kế hoạch tham vọng đã được lên cho Đội tuyển futsal. Đáng nói hơn cả, trong hành trang chuẩn bị cho chuyến đi tập huấn và thi đấu tại nước ngoài lần này không có những thùng mì tôm vốn gắn liền với các đội tuyển quốc gia hàng chục năm qua (để đề phòng không hợp với khẩu vị thức ăn). Sở dĩ vậy là vì họ có đầu bếp đi cùng. Trưởng đoàn Trần Anh Tú - người nổi tiếng với hành động vào bếp nấu cơm cho các cầu thủ trong những chuyến thi đấu trước đây đã quyết định bỏ tiền túi cá nhân mời thêm một đầu bếp. Ông Tú cũng đàm phán với đối tác tại Tây Ban Nha tạo điều kiện cho các đầu bếp của Đội tuyển được tự nấu ăn phục vụ các tuyển thủ. Điều này giúp Đội tuyển futsal Việt Nam được hưởng những bữa ăn như ở quê nhà và có được thể lực tốt nhất để thi đấu.

Trong hành trình chuẩn bị cho World Cup, Đội tuyển futsal Việt Nam trải qua rất nhiều sự kiện. Từ 2 trận đấu với Đội tuyển Ai Cập đến 2 chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha và Argentina tiêu tốn của VFF cả chục tỷ đồng. Chưa kể đến chi phí được trang trải cho quá trình tham dự World Cup tại Colombia cũng sẽ lên đến hàng tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, VFF cũng như Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ chi những khoản cứng cho quá trình tham dự World Cup của Đội tuyển. Đây là khoản tiền cho việc mua 50% vé máy bay (50% do FIFA chi trả) và tiền tiêu vặt của các cầu thủ trong quá trình dự World Cup. Số tiền chi cho các chuyến tập huấn nước ngoài và một loạt khoản chi không nằm trong kế hoạch được huy động từ nguồn xã hội hóa. Trong số những đơn vị hỗ trợ đắc lực cho Đội tuyển có ông bầu Trần Anh Tú. Doanh nhân này bằng niềm đam mê đặc biệt với futsal đã quyết định chi hàng tỷ đồng cho kế hoạch tập huấn chuẩn bị cho World Cup.

Từ câu chuyện của Đội tuyển futsal Việt Nam tham dự World Cup, giới bình luận cho rằng đã đến lúc VFF, Tổng cục Thể dục Thể thao phải tiến hành xã hội hóa mạnh hơn những kế hoạch tập huấn của các đội tuyển quốc gia. Không chỉ gia tăng nguồn thu từ các Mạnh thường quân mà cách tiếp cận vấn đề sẽ hiện đại và hiệu quả hơn. Đơn giản như việc các nhà tài trợ quan tâm hơn đến cái ăn, cái mặc của đội tuyển. Họ cũng nhanh nhạy trong quá trình làm thương hiệu, hình ảnh cho đội tuyển. Giá trị thương hiệu của đội tuyển nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung vì thế mà gia tăng. Đây chính là điểm khác biệt giữa đội tuyển được bao cấp và đội tuyển được xã hội hóa.