"Tấm gương" Italia buộc châu Âu, Mỹ đổi chiến thuật chống dịch Covid-19

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình tại Italia đã khiến giới chức y tế Mỹ và châu Âu mường tượng ra viễn cảnh đen tối nếu không thực sự dấn thân vào cuộc chiến chống Covid-19.

Châu Âu siết chặt biên giới

Sau khi chứng kiến Covid-19 hoành hành tại Trung Quốc trong sự thờ ơ, châu Âu dường như đang hoảng sợ vì tình hình tại Italia. Nhiều quốc gia đột nhiên áp lệnh hạn chế đi lại, như Tây Ban Nha phong tỏa toàn quốc, Công hòa Czech yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà, hay Đức kiểm soát biên giới với các nước láng giềng. Tình trạng này khiến ý tưởng về một châu Âu đoàn kết và không biên giới trở nên mờ nhạt. "Nghịch lý của một chủng virus xuyên biên giới là các giải pháp đòi hỏi phải có sự ngăn cách, không chỉ giữa các quốc gia, mà còn cả bên trong lãnh thổ", Nathalie Tocci, cố vấn của Liên minh châu Âu (EU), cho hay. Cùng với việc Italia đang phong tỏa toàn quốc và nhiều nước kiểm soát nhập cảnh, hơn 100 triệu dân châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi loạt lệnh hạn chế đi lại. Tuy nhiên, bà Tocci lưu ý rằng những biện pháp phong tỏa sẽ không có tác dụng nếu thiếu sự phối hợp giữa các nước. Thêm vào đó, việc dựng "vách ngăn" trên thực tế không còn tạo ra được nhiều khác biệt, bởi "kẻ thù vô hình" đã len lỏi vào bên trong, bình luận viên Steven Erlanger của New York Times nhận định. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson bắt đầu phản ứng rốt ráo khi khẳng định, nước này chỉ còn 2 tuần để siết chặt các biện pháp chống dịch nếu như không muốn trở thành “Italia số 2”.

 Italia đang thiếu trầm trọng cơ sở vật tư y tế để chiến đấu với Covid-19.

Mỹ dự phòng cơ sở vật chất y tế

Tại Mỹ, các quan chức y tế công cộng đã quan sát diễn biến “đáng sợ” ở châu Âu và chuẩn bị cho sự gia tăng bệnh nhân tại các bệnh viện dự kiến ​​trong những ngày tới. Giới chức Mỹ trong một cuộc họp ngắn từ Nhà Trắng, đã cầu xin người dân không đi xét nghiệm Covid-19 trừ khi có triệu chứng nhiễm bệnh.  Việc này nhằm ngăn viễn cảnh thiếu thốn cơ sở vật chất y tế, đặc biệt là các dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm.

Trong khi đó, một số bệnh viện cảnh báo rằng nếu không có một số hỗ trợ tài chính, họ không thể trả lương cho công nhân trong vòng vài tuần và có thể buộc phải đóng cửa do số bệnh nhân không ngừng gia tăng. Ở những khu vực “tâm dịch” của xứ sở cờ hoa như California và New York, các quan chức đã hạn chế thử nghiệm đối với nhân viên y tế và người dân để duy trì thiết bị bảo vệ cho những trường hợp cấp bách nhất.Các nhà lãnh đạo Illinois, New York và California đã ra lệnh cho tất cả công dân của họ ở nhà, chỉ giới hạn việc đi lại vì lý do thiết yếu.  Nhằm đáp lại lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhu cầu thử nghiệm ngày càng gia tăng, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ vừa cho ra mắt một bộ test Covid-19 cho kết quả trong 45 phút. Giới chức Nhà Trắng cũng cho biết đang nỗ lực cung cấp thêm các biện pháp thử nghiệm và thiết bị cần thiết.

Khi tất cả các dấu hiệu cho thấy tiềm tàng một cuộc khủng hoảng y tế quốc gia, chính quyền ông Trump đã chuẩn bị một gói kích thích “chưa từng có tiền lệ”. Giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang đe dọa nền kinh tế Mỹ – một trong những niềm tự hào của Tổng thống Donald Trump trong nhiệ kỳ của mình, ông chủ Nhà Trắng buộc phải có biện pháp mạnh tay để đảm bảo cơ hội tái đắc cử vào tháng 11 tới. Để cải thiện cơ hội chiến thắng, ông cần phải nghiêm túc đối diện với thách thức nghiêm trọng mang tên Covid-19 lần này.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần