Tấm gương mờ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình ngày càng “nóng” dư luận khi nhiều cán bộ liên quan bị khởi tố, hàng chục phụ huynh “mua điểm” cũng dần lộ diện qua tìm hiểu của các cơ quan đại chúng. Điều đáng buồn là trong số đó, được cho là có không ít cán bộ địa phương, giữ trọng trách trong ngành và chính quyền các cấp. Cũng bởi thế, câu hỏi về trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, đảng viên ở đây lại được đặt ra.

 Gian lận thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài
“Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần được dẫn lại khi đề cập đến vấn đề nêu gương. Bởi muốn người khác nghe theo, bản thân cán bộ phải gương mẫu đi đầu, không chỉ trong công tác mà cả trong cuộc sống… Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh các cán bộ, đảng viên các cấp đều được “soi” rất kỹ, việc tốt, việc xấu của họ đều được lan truyền rất rộng, rất nhanh. Nên không chỉ nêu gương ở những việc lớn, kể những việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày cũng cần người cán bộ nêu gương. Càng có chức vụ trách nhiệm nêu gương càng phải được coi trọng.
Dù đã có những quy định rất rõ về trách nhiệm nêu gương ấy, nhưng thực tế, thời gian qua cũng đã phát hiện không ít người lợi dụng uy tín của lãnh đạo để thao túng một số vấn đề liên quan tới đất đai, mua sắm; lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân, để anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi…, tạo ra những băn khoăn trong dư luận.
Với các trường hợp liên quan đến vụ tiêu cực trong thi cử lần này dẫn tới nhiều cán bộ công an, giáo dục bị khởi tố, bắt giam, hàng loạt sinh viên đã bị “trả về”, dù biện minh theo cách nào, câu hỏi những người cán bộ có chức, có quyền là các phụ huynh đứng sau liệu có vô can trong chuỗi gian lận này, cũng đang khiến dư luận băn khoăn. Bởi nếu phụ huynh không cho họ và tên, số báo danh con mình, làm sao cán bộ biết ai mà sửa điểm?
Nếu có, bài học dành cho những cán bộ tham gia đường dây này và nhất là đối với phụ huynh đã dùng tiền, dùng quyền lực, hay mối quan hệ để tác động, để “chạy điểm” cho con em mình có lẽ là vô cùng đắt giá. Bài học nhãn tiền là tương lai của con em họ đã có một “vết đen” không dễ gì xóa bỏ. Và ở một góc độ nào đó, trong gia đình, chính họ đã tạo ra một tấm gương mờ về lòng trung thực, nhìn ra ngoài xã hội, với trọng trách nắm giữ, họ cũng đã tự đánh mất uy tín của bản thân.
Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/4, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh hành vi gian dối trong thi cử là rất nghiêm trọng, phải trừng trị thích đáng.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, đây không chỉ đơn thuần là những vi phạm các quy định về giáo dục, mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Những cán bộ công chức được xác định chạy nâng điểm cho con ngoài các chế tài khác còn bị chi phối, xử lý theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. “Phải công khai đích danh người tác động sửa điểm để lên án, bêu gương trước xã hội. Nếu như điều tra xác định có căn cứ những người liên quan có vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ của những công chức ấy để điều tra, truy tố trước pháp luật” - ông Vân nêu quan điểm.
Gian lận thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài, bởi nó cung cấp đầu vào cho quá trình đào tạo và đầu ra cho sử dụng nhân sự phục vụ cho Nhà nước và xã hội. Do vậy, phải xử lý nghiêm tận gốc thì mới loại bỏ được cán bộ không giữ được phẩm chất trong sạch, uy tín trước Đảng và Nhân dân.