Tâm lý sợ hãi bao trùm thị trường, Phố Wall ghi nhận tuần tồi tệ nhất từ năm 2008

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính chung trong tuần, Dow Jones sụt hơn 17%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất gần 13%.

Chứng khoán Mỹ đã nỗ lực phục hồi trong phiên 20/3, nhưng không thành, khi các nhà đầu tư ngày càng lo sợ về mức độ tác động đến kinh tế của đại dịch Covdid-19.
Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones lao dốc 913,21 điểm (tương đương hơn 4%) xuống 19.173.98 điểm sau khi tăng hơn 400 điểm hồi đầu phiên. Chỉ số S&P 500 hạ 4,3% còn 2.304,92 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 3,8% xuống 6.879,52 sau khi vọt hơn 2%.
Dow Jones đã lao dốc hơn 17% trong tuần qua, đánh dấu tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Chỉ số S&P 500 mất hơn 13% từ đầu tuần đến nay sau khi sụt 11,5% hồi tuần trước. Nasdaq Composite hạ 12,6% trong tuần.
Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận tuần giao dịch thê thảm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hiện Dow Jones thấp hơn 35,2% so với mức cao mọi thời đại đã xác lập từ tháng 2/2020, trong khi S&P 500 còn cách 32,1% so với mức cao kỷ lục.
Yếu tố đè nặng lên thị trường trong phiên này, bên cạnh quyết định yêu cầu người dân ở nhà của bang New York, còn là đà trượt sâu của giá dầu và đồng USD tăng cao. Việc tái đầu tư vào dầu, tài sản đã mất một nửa giá trị trong một tháng, đang khiến nhà đầu tư phải bán tháo tài sản ở các thị trường khác. Giá dầu ngọt nhẹ WTI trên sàn New York đã quay đầu giảm hơn 11% vào cuối phiên, dù trước đó đã phục hồi trong phần lời phiên ngày 20/3.
Các nguồn tin nói với CNBC rằng Ronin Capital, một công ty thanh toán bù trừ của CME Group, đã không thể đáp ứng yêu cầu về vốn. Thông tin này cũng gây sức ép lên thị trường Phố Wall trong 2 giờ giao dịch cuối cùng của phiên bởi vì đây là một tín hiệu khác của áp lực đối với một số công ty trong bối cảnh thị trường sụt giảm mạnh.
"Các thị trường đang giao dịch nghiêng về cảm xúc hơn dữ liệu thực tế. Đó là nguyên nhân gây ra sự biến động trên Phố Wall", Sal Bruno - Giám đốc đầu tư tại IndexIQ cho biết, "Các tài sản đã bị bán tháo, nhưng thực sự không có lý do chính đáng, tất cả chỉ do nỗi sợ hãi".
Giới đầu tư phải chịu tổn thương trong tuần này trong bối cảnh biến động mạnh mỗi ngày ở cả 2 hướng. Chỉ số S&P 500 dao động 4% trở lên theo 2 chiều trong 8 phiên liên tiếp trước ngày thứ Năm. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường chứng khoán Mỹ, đóng cửa trên mức 80 hồi đầu tuần này, vượt qua mức đỉnh trong thời khủng khoảng tài chính.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố một số biện pháp kích thích trong tuần này bên cạnh những nỗ lực của Quốc hội. FED hôm 20/3 cho biết sẽ mở rộng chương trình mua lại tài sản bao gồm trái phiếu đô thị (municipal bonds). Tuy nhiên, những biện pháp này chưa thể xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư.
Tại New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo yêu cầu 100% các doanh nghiệp sẽ phải làm việc tại nhà. Tính đến ngày 20/3, đã có hơn 14.000 ca nhiễm bệnh Covid-19 được xác nhận ở Mỹ, với hơn 200 trường hợp tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho biết. Trên toàn cầu, đã có hơn 245.000 người bị nhiễm bệnh.
Khi virus SARS-CoV-2 lan khắp các bang của Mỹ, chuyên gia phân tích Ray Dalio của Bridgewater cảnh báo sự bùng phát dịch Covid-19 có thể sẽ khiến các công ty Mỹ thiệt hại kinh tế lên tới 4.000 tỷ USD và nhiều DN có thể bị phá sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần