Tầm nhìn và khát vọng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018 khép lại với việc nước ta đón hàng loạt tin vui trên hầu hết các lĩnh vực.

Tiếp đà thắng lợi đó, Chính phủ đã ra 2 Nghị quyết 01 và 02 với mục tiêu tăng tốc phát triển ngay ngày đầu năm. Năm 2019 được lấy là năm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phương châm hành động mới đã thêm hai từ “bứt phá”. Chính phủ xác định rõ năm 2019 là năm “tăng tốc, bứt phá” trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất, chuẩn bị "về đích”. 

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hàng loạt xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Liên Hợp quốc. Điều này cho thấy những cập nhật và cải cách liên tục của Chính phủ trong bối cảnh diễn biến trong nước và quốc tế luôn thay đổi, để không bị thế giới bỏ lại phía sau.

Và trên hết, khát vọng lớn nhất mà Thủ tướng mong muốn là xây dựng Việt Nam thành một “quốc gia khởi nghiệp”. Cứ năm sau, số DN được thành lập mới cao hơn năm trước, mong muốn khởi nghiệp phải được lan tỏa từ người lãnh đạo đến người dân thường. Khuyến khích thoát nghèo, vươn lên làm giàu, dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhất định thành công sẽ đến.

Tầm nhìn đó là sự nhìn xa, trông rộng để biết mình là ai, đang chuyển động thế nào trong một thế giới không ngừng thay đổi. Có được tầm nhìn đúng đồng nghĩa với việc không tự ru ngủ mình, không bằng lòng với thành công hôm qua, thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Có được tầm nhìn đúng thì sẽ có được những dự báo đúng, phân tích đúng để ứng phó linh hoạt, phát huy được sức mạnh. Nói như Thủ tướng Chính phủ, “làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ XXI như nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, các loại hình dịch vụ và công nghệ tài chính hiện đại...”.

Không chỉ ở mục tiêu đặt ra, cụm từ “tăng tốc, bứt phá” còn thể hiện ở ngay cả biện pháp thực hiện. Đó là tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động và khoa học công nghệ. Cùng với đó, cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu tổ chức tín dụng; DN Nhà nước. Ngoài ra, triển khai các Đề án cơ cấu lại thị trường tiền tệ, chứng khoán, phát triển thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh, khơi thông nguồn lực, thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đặc biệt, là bứt phá về thể chế, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính. Chính sách hay nhưng quan trọng vẫn ở con người. Nghị quyết nhấn mạnh đến việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đề cao vai trò người đứng đầu và trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, Chính phủ điện tử là một định hướng mà Thủ tướng đã nhắc tới nhiều lần. Bởi đó là một công cụ tốt để thực hiện minh bạch, công khai nhằm hạn chế thấp nhất các tiêu cực vốn có của một nền hành chính giấy tờ.

Năm 2019, dù người dân và DN còn gặp nhiều gian nan nhưng rõ ràng sự sốt ruột của Chính phủ về cải cách thể chế là cơ sở cho niềm tin cải cách. Với sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và sự chuyển động đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong năm 2019, cộng đồng DN nói chung, các DN tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng có thể đặt niềm tin vào môi trường kinh doanh mà ở đó, họ là nhân vật trung tâm, có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh, tạo ra xung lực tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững cho nền kinh tế.