Tâm sự những tình nguyện viên phiên dịch "xông pha" vào khu cách ly

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có những người trẻ đã chọn tình nguyện xông pha vào nơi “chiến trường” khi nhận hỗ trợ phiên dịch cho những người từ nước ngoài về Việt Nam trong các khu cách ly.

Quyết định “chiến thắng bản thân”
Đào Thị Phương Anh từng là hướng dẫn viên du lịch trong nhiều năm. Cô đến với vai trò tình nguyện viên tại khu cách ly trường quân sự Sơn Tây vô cùng ngẫu nhiên. “Khi nhận được thông tin đăng tuyển của Sở Ngoại vụ Hà Nội trong nhóm du lịch, mình không suy nghĩ nhiều mà ứng tuyển luôn”, Phương Anh nói.
Trước khi nhận công việc, cô cũng đã cập nhật kha khá kiến thức về căn bệnh, cả triệu chứng, cách phân biệt với những bệnh thông thường khác như là cảm cúm, cũng như phác đồ điều trị, bởi vì không chỉ đơn giản là để phục vụ công việc tại đây mà cô còn có rất nhiều bạn bè ở nước ngoài nhưng không được cập nhật về những thông tin đó. Một người bạn rất thân của Phương Anh ở Séc, sống cùng căn nhà với người dương tính với Covid-19. nhưng cũng không được đi xét nghiệm.  “Vì hiểu tình hình như vậy và trong lúc như thế này, mình chỉ nghĩ mình làm được gì thì phải làm”, Phương Anh giải thích về quyết định của mình.
 Tình nguyện viên Đào Thị Phương Anh
Tình nguyện hỗ trợ phiên dịch cho người nước ngoài tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp đã hơn 10 ngày qua, Đoàn Xuân Hiệp, một tình nguyện viên cho biết anh có thông tin từ Sở Ngoại vụ Hà Nội. Thời gian đầu Hiệp hỗ trợ người nước ngoài cách ly đi nhận phòng, gần giống thủ tục nhận phòng ở khách sạn và sau đấy cùng đội ngũ y tế đi đo thân nhiệt người cách ly 2 lần mỗi sáng và chiều hàng ngày.
“Thời gian đầu mình cũng hơi... sợ và lo lắng. Nhưng sau đấy mình thấy bình thường vì đây là hành động giúp đất nước quyết thắng đại dịch. Trong thời gian này cả thế giới đang bị cách ly vì dịch nên nhân đây không gặp gỡ gia đình, bạn bè thì cũng tốt cho mình, cho mọi người và cộng đồng”, Hiệp nói.
 Tình nguyện phiên dịch viên - Đoàn Xuân Hiệp 
Còn Phạm Thị Huệ sau 8 năm làm việc trong ngành du lịch, đi nhiều và hiểu biết nhiều, công việc trong môi trường đặc biệt - hỗ trợ phiên dịch cho các công dân trong khu cách ly ở Bệnh viện Công an TP Hà Nội cơ sở Hà Đông thực sự là trải nghiệm mới mẻ, thậm chí có phần liều lĩnh.
Vai trò kép và những câu chuyện khó quên
Một ngày làm việc của Phương Anh tại khu cách ly trường quân sự Sơn Tây “không có giờ bắt đầu cũng không có giờ kết thúc”. Theo cô chia sẻ, công việc này không cố định thời gian, mà tùy vào nhu cầu và các đợt nhập cách ly, chủ yếu là giúp người nước ngoài hiểu rõ hơn về tình huống họ đang gặp phải, các quy định của khu cách ly và giúp đỡ các bạn ấy trong quá trình cách ly.
Ngoài ra còn phổ biến về các lưu ý để cách ly hiệu quả, phổ biến về phương thức lây lan và cách phòng chống lây lan dịch bệnh... Phương Anh cho biết cô thường giải thích với những người nước ngoài tại đây nguyên nhân và thời gian họ bị cách ly, thông báo kết quả xét nghiệm, đồng thời giới thiệu quy định và thậm chí những phương pháp phòng chống dịch bệnh lây lan thông qua các y bác sĩ và những lưu ý cần thiết về hướng phòng chống dịch bệnh của Việt Nam.
Trong khi đó, Huệ là phiên dịch viên duy nhất trong cơ sở cách ly của mình, cô có thể sử dụng thành thạo tiếng Hàn ngoài tiếng Anh. Nhiều khi vượt qua cả vai trò hỗ trợ phiên dịch, chính cô cũng phải đóng vai trò làm người giải thích, bình tĩnh phân tích cho các trường hợp cách ly hiểu họ đang được an toàn và mọi chuyện sẽ ổn.
 Hình ảnh trong khu cách ly Bệnh viện Công an TP Hà Nội
“Có những người mới vào rất hoang mang cách ly ở đây như thế nào, lo lắng rằng mình không được tự do nữa, nhưng sau một thời gian ở đây thì họ đều hiểu vấn đề và nghiêm chỉnh chấp hành. Họ không hề phàn nàn về quy trình chăm sóc mà chỉ hỏi về các vật dụng cá nhân thiết yếu, cũng có lúc những trường hợp hỏi về khi nào hết thời hạn cách ly hay nhờ lấy hộ chiếu để gia hạn thêm visa…”, Huệ cho biết.
Công việc trong các khu cách ly của những tình nguyện viên kéo dài trong vòng 10-15 ngày, quãng thời gian này dài không dài, ngắn không ngắn nhưng đủ để họ có những trải nghiệm có 1-0-2.  Có một trường hợp mà Huệ nhớ mãi, lúc 10 giờ đêm có một công dân người Hàn nhập vào khu cách ly. Anh này bay sang Thái Lan rồi sang Việt Nam, chờ ở sân bay từ 7 giờ sáng để làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam và phải cách ly 14 ngày. Do mới cắt amidan nên hệ miễn dịch kém, ban đầu người này rất sợ hãi và hoang mang, gia đình gọi từng phút một. Nhưng sau khi quen với môi trường trong khu cách ly và được các y bác sĩ nhân viên tại đây giúp đỡ chuyển đồ ăn, liên lạc thì đã bình tĩnh trở lại.
Còn Hiệp thì không thể quên một câu chuyện cảm động trong số những trường hợp cậu từng hỗ trợ. Đó là một Việt kiều người Mỹ ( khoảng 60 tuổi) về Hà Nội ngày 18/3/2020. “Cô này về Việt Nam để thăm bố bị ung thư phổi sắp mất ở Huế nhưng vì đang bị cách ly nên không thể rời khu cách ly trước ngày 2/4/2020. Ngày 20/3/2020 thì bố cô ấy mất”, cậu ngậm ngùi kể lại. Cô rất buồn nhưng hiểu chính sách cách ly của Việt Nam và vì công tác chống dịch nên chấp nhận phần hy sinh về phía mình.
“Về nhà đi con!”
“Đã hơn 10 ngày mình không gặp bạn bè nên cũng buồn, có thể đi ra ngoài được nhưng chỉ đi để lấy đồ hoặc ăn uống bữa trưa bữa tối hạn chế”, Huệ kể. Bố cô hàng ngày cứ tầm 11 giờ đêm là gọi điện thoại đến thăm hỏi và trong đoạn hội thoại lúc nào cũng có câu “sớm kết thúc về nhà đi con !”
 Bên ngoài khu cách ly Pháp Vân-Tứ Hiệp
“Bố mẹ mà, ai cũng có tâm lý lo lắng cho con cái. Nhiều hôm đọc tin tức về một số ca nhiễm là điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai hay là bác sĩ bị thì cứ nghĩ đến mình có nguy cơ”, Huệ kể. Sau đó cô cũng giải thích cho gia đình đây là vòng ngoài cùng nên khả năng có người cách ly dương tính thấp hơn so với tuyến đầu nên họ cũng an tâm hơn.
Ở một khía cạnh khác, tình nguyện viên Phương Anh chia sẻ, gia đình trước giờ đều tôn trọng quyết định của cô. "Bố mình trước kia còn trẻ xung phong ra mặt trận (Chiến tranh biên giới năm 1979) bảo vệ tổ quốc, còn con bây giờ cũng là ra mặt trận bảo vệ mọi người, bố tự hào về con".
Người nhà có lo lắng, nhưng từ trước giờ đã tin tưởng với những dự định của Phương Anh. Vì tính chất công việc du lịch trước đây, Phương Anh cho biết cô từng đến Ai Cập khi vẫn đang có khủng bố nổi loạn, đến sát biên giới Lybia 50km khi Mỹ vừa ném bom nên quyết định này “vẫn chưa phải đáng sợ nhất”, cô cười nói.
Cô bạn sinh năm 1989 cho biết sẽ tiếp tục đăng ký ở cơ sở khác khi người nước ngoài ở khu vực này kết thúc cách ly. “Có một chiến sĩ hỏi mình, chị không sợ chết khi vào đây sao, rất nhiều người đều sợ không dám cả đến gần. Mình trả lời bạn đó, có, chị rất sợ chết, nhưng bởi vì quá sợ chết nên chị muốn đem sức mình góp phần bảo vệ sự sống”, Phương Anh nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần