Tan hoang vùng tâm bão

Ghi chép của Quang Hải - Văn phòng báo Kinh tế & Đô thị miền Trung - Tây Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 9 gây mưa to, gió lớn tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương. Đặc biệt nghiêm trọng khi sạt lở đất sau mưa lớn đã vùi lấp hàng chục người dân tại Quảng Nam. Công tác cứu hộ, cứu nạn đang được các đơn vị tập trung cao độ.

Trà Leng, cả ngôi làng bị vùi lấp

Vụ sạt lở kinh hoàng ở thôn 1, Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra đầu giờ chiều 28/10, san phẳng 13 nóc nhà dân. Theo thống kê ban đầu, có 53 người dân bị vùi lấp. Tính đến 20 giờ tối 29/10, lực lượng chức năng đã tìm kiếm được thi thể 6 nạn nhân; 33 người được cứu sống, trong đó có 16 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Hiện tại còn 14 nạn nhân chưa được tìm thấy. Trong số những nạn nhân chưa được tìm thấy có Bí thư xã Trà Leng, anh Lê Hoàng Việt (37 tuổi). Gia đình anh Việt có đến 8 người gặp nạn.

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng là một bãi đất đá san phẳng. Phía dưới đó, khi chúng tôi đến, là 13 ngôi nhà cùng hàng chục người dân đang bị vùi lấp, chưa tìm kiếm được.

Con đường vào hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam là hàng chục điểm sạt lở núi nghiêm trọng, chia cắt. Trong quá trình cố gắng tiếp cận hiện trường, chúng tôi phải đi bộ gần chục cây số đường núi, băng qua nhiều đoạn đường đất đá vừa mới sạt lở. Có nhiều đoạn phải dìu nhau vượt qua con nước dữ. Trên đường vào Trà Leng, thi thoảng cảnh người dân dùng võng khiêng nạn nhân ra ngoài đưa đi cấp cứu. Ai cũng vội vã, nước mắt lưng tròng…

Thấy chúng tôi lỉnh kỉnh máy ảnh, vội vã, một chị dắt cháu bé nói: “Mấy chú nhà báo ơi, cháu này ba mẹ và chị đều bị vùi lấp, nhà chỉ còn có nó”. Nhìn gương mặt hoảng sợ, thất thần của cháu bé trạc tuổi con mình mà mà tôi ứa nước mắt. Cháu tên Lê Hoàng Hải, học lớp 5. Trưa 28/10, nghe tiếng núi lở cháu vội chạy lên phía trên và thoát nạn. Còn ba mẹ và chị đã bị đất đá vùi lấp.

Đi thêm vài cây số sát hiện trường vụ sạt lở, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục người dân đưa thi thể vợ chồng anh Hồ Văn Thành và chị Hồ Thị Đức đi chôn cất. Hai nấm mộ tạm nằm bên triền đồi, nhìn xuống bên kia chính là ngôi làng của họ. Một người dân cho biết, tình hình gấp quá nên dân làng chỉ quấn chăn, chiếu đưa các nạn nhân đi chôn tạm, sau này mới tính chuyện mồ mả đàng hoàng.

Tiếp cận hiện trường, mới thấy cảnh tượng kinh hoàng, tang thương đổ xuống xóm núi vốn bình yên của mấy ngày trước đó. Một người dân đang ngóng tin tìm kiếm người thân chia sẻ: “Mới hôm qua bên kia là cả ngôi làng với 13 ngôi nhà, nhưng giờ thì rứa đó…”. Đó là một bãi hoang tàn nằm bên triền đồi, đất đá san bằng tất cả. Hiện trường đâu đó còn sót lại những chiếc áo học trò, vài chiếc xe máy chổng chơ, đồ đạc người dân quyện trong đất đá… Bộ đội, người dân lật từng đống đổ nát soi tìm nạn nhân…

Nhiều người dân ở Trà Leng cho biết, sống ở đây bao nhiêu năm, chưa bao giờ họ chứng kiến một vụ sạt lở do lũ ống, lũ quét kinh hoàng đến như thế. Cả ngọn núi xa bên kia đồi sạt lở rồi cuốn theo dòng suối, san phẳng nguyên một bản làng.

“Con bé tôi cứu chỉ còn hai con mắt nhấp nháy dưới bùn”

Trên chuyến xe ben đi nhờ cùng đồng bào vào hiện trường, tôi gặp được ân nhân cứu được 3 nạn nhân, đó là anh Nguyễn Trần Văn Toàn (ở thôn 2, xã Trà Leng). Anh Toàn trong bộ áo quần lấm lem bùn đất, vẻ mặt bơ phờ vì mệt, chân vẫn còn rớm máu. Anh Toàn kể: “Trưa qua (28/10 – PV), đang ngồi trong nhà thì tôi nghe tiếng nổ ầm từ phía ngọn núi bên đồi. Chạy ra ngoài tôi thấy đường dây điện trước nhà rung lên, cột điện bị gãy. Ngó sang bên kia thì thấy các nhà ở thôn 1 bị đất đá vùi lấp. Chúng tôi vội chạy đến cứu người dân. Tôi cứu được 3 người, 2 cháu bé và một chị đã lớn tuổi. Cháu bé đầu tiên tôi cứu chỉ còn thấy 2 con mắt nhấp nháy dưới bùn. Cứu xong cháu này thì tôi nghe tiếng khóc dưới đất đá và cứu được cháu thứ 3. Còn chị kia bị gãy chân, đất đá vùi lấp hết…”.

Ở Trà Leng này, mỗi thôn người dân hay gọi là nóc, đặt tên trưởng bản, già làng. Thôn 1 còn gọi là nóc ông Đề. Anh Toàn cho biết: “Cả thôn gặp nạn nhưng vợ chồng ông Đề hôm ấy đi rẫy ở lại nên thoát nạn”.
Có mặt tại hiện trường sạt lở tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam tập trung huy động mọi nguồn lực để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu những người hiện còn đang bị mất tích. Trường hợp chưa đưa được máy móc vào tìm kiếm thì cử lực lượng quân đội, công binh vào trước, tìm kiếm thủ công. Cùng với đó, nghiên cứu phương án sử dụng máy bay trực thăng vào ứng cứu.
Ngoài vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng, tại Quảng Nam ngày 28/10 còn xảy ra một vụ sạt lở cực kỳ nghiêm trọng khác ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Vụ sạt lở khiến 11 người đang mất tích, 3 thi thể được tìm thấy.