Tân Thủ tướng Nhật Bản: Kế thừa dễ mà khó

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối phó dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ là những thử thách lớn đầu tiên đối với tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Ở Nhật Bản, sau khi từ chức Thủ tướng chính phủ, ông Shinzo Abe đương nhiên không thể tiếp tục đảm trách cương vị chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Thực trạng sức khỏe không ổn chỉ là một nhẽ, lý do chính là đảng này quy định Chủ tịch đảng đương nhiên nắm giữ luôn cương vị thủ tướng chính phủ. LDP phải chọn lựa thủ lĩnh mới cho đảng trong nhận thức là người ấy sẽ đồng thời là Thủ tướng mới của Nhật Bản, ít nhất thì cũng cho tới cuộc tổng tuyển cử định kỳ tới dự kiến được tiến hành vào tháng 11 năm 2021.
 Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.
Chủ tịch mới của LDP và Thủ tướng mới của xứ Phù Tang là ông Yoshihide Suga, 71 tuổi, trên cương vị Chánh văn phòng nội các luôn như thể là cánh tay phải của ông Abe trong suốt thời gian cầm quyền dài kỷ lục gần  8 năm qua của ông Abe. Như hình với bóng của nhau, hai người này đồng hành như một cặp bài trùng. Ông Suga là cộng sự thân tín nhất của ông Abe.
Việc chọn lựa ông Suga kế nhiệm ông Abe cho thấy giới chức lãnh đạo đảng LDP và các vị dân biểu của đảng này trong Quốc hội đã lựa chọn người kế nhiệm theo tiêu chí đảm bảo kế thừa và tiếp nối quan điểm và đường lối chính sách cầm quyền của ông Abe nói chung và chủ thuyết Abenomics nói riêng. Họ muốn đảm bảo chắc chắn rằng tân quan nhưng không tân chính sách, muốn duy trì tính ổn định và liên tục trong cầm quyền chứ không để cho tiến hành bất cứ thử nghiệm chính trị mới nào.
Trong việc này, họ nhìn xa tới cuộc tổng tuyển cử sang năm và cho rằng cái gọi là "Nhân tố Abe" vẫn có tác động và ý nghĩa của sự đảm bảo lại được thắng cử. Ông Suga được lựa chọn với mức độ ủng hộ vượt xa tất cả những ứng cử viên khác trong đảng này chính vì thế.
Sau cuộc tổng tuyển cử thì đảng này có thể sẽ mưu tính quyền lực khác, có thể thay thế ông Suga bằng người khác hoặc để cho ông Suga tiếp tục làm Thủ tướng Nhật Bản với quan điểm và đường lối chính sách cầm quyền khác.
Trước mắt, ông Suga sẽ chỉ là một giải pháp quá độ cho đảng LDP và cho đất nước Nhật Bản. Tình trạng hiện tại của ông Suga vừa dễ lại vừa khó. Cái dễ là người này có được cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hòa ở Nhật Bản. Ở buổi hoàng hôn của thời cầm quyền của mình, ông Abe bị sa sút mức độ tín nhiệm trong dân chúng nhưng vẫn là tượng đài chính trị ở Nhật Bản và vẫn không có đối thủ chính trị. Bởi vậy, người mới có thể tận lợi được trên mọi phương diện từ cái bóng của người cũ.
Người Nhật Bản tin rằng ông Suga chắc chắn sẽ tiếp nối mọi chính sách cầm quyền của ông Abe. Sự hậu thuẫn trong đảng và trong Quốc hội lại rất mạnh mẽ đối với ông Suga.
Nhưng kế thừa và tiếp nối ông Abe dễ mà lại khó đối với ông Suga. Trước hết vì người mới này xưa nay chỉ "phục vụ ông Abe cầm quyền" chứ chưa trực tiếp cầm quyền, tổ chức và quản lý công việc của chính phủ ở hậu trường chứ không biểu lộ công khai. Vì thế, dân chúng và công chúng ở Nhật Bản biết rất ít ỏi về năng lực và bản lĩnh lãnh đạo quốc gia của ông Suga cũng như về tầm nhìn chính trị và quan điểm cầm quyền riêng của ông.
Cái khó nhất đối với ông Suga là phải chứng tỏ thoát ra khỏi cái bóng phủ của ông Abe khi tiếp tục quan điểm chính sách của cựu Thủ tướng, tức là phải thể hiện khác người tiền nhiệm không phải ở quan điểm chính sách cầm quyền mà ở cách thức thực hiện quan điểm chính sách cầm quyền của người tiền nhiệm về đối nội cũng như đối ngoại, và về đối ngoại sẽ khó khăn hơn về đối nội.
Đối phó dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ là những thử thách lớn đầu tiên đối với ông Suga. Người mới này trong thời gian cầm quyền đầu tiên sẽ phải ưu tiên cho đối nội nhiều hơn đối ngoại và cũng sẽ phải luôn giữ cuộc tổng tuyển cử sắp đến trong tầm mắt bởi đấy mới là thách thức chính thật sự. Ông Suga dày dạn kinh nghiệm chính trường Nhật Bản đủ mức để ý thức được ngay từ bây giờ rằng cuộc tổng tuyển cử tới đây sẽ là cuộc trưng cầu dân ý ở Nhật Bản về năng lực cầm quyền và do đó cả tương lai chính trị của chính mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần