Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in: Đối mặt nhiều thách thức

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/5 (giờ địa phương), sau chiến thắng ngoạn mục bỏ xa 2 đối thủ trong cuộc bầu cử hôm 9/5, ông Moon Jae-in đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc.

Kết quả kiểm phiếu được công bố cho thấy, ông Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ tự do đã giành được 41,08% số phiếu bầu, bỏ xa 2 ứng cử viên Hoong Joon-pyo của đảng Hàn Quốc tự do và Ahn Cheon-soo thuộc đảng Nhân dân. Chiến thắng của ông Moon Jae-in đã chính thức đánh dấu chấm hết cho 9 năm nắm quyền của đảng Bảo thủ. Người dân Hàn Quốc đang rất kỳ vọng vị tân Tổng thống - người hứa sẽ hàn gắn những chia rẽ trong đất nước sau vụ phế truất bà Park Geun-hye và có chiến lược tương đối ôn hòa với CHDCND Triều Tiên.

 Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm nghĩa trang quốc gia tại Seoul để tỏ lòng thành kính đối với bậc cha ông và những anh hùng trong thời kỳ chiến tranh. 

Theo các nhà quan sát, sẽ không có “trăng mật” cho tân Tổng thống, bởi ông Moon sẽ phải bắt tay vào việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng mà Hàn Quốc đang phải đối mặt, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng và sự bất bình của người dân đối với tình trạng tham nhũng tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này. Trên thực tế, ngay sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có những bước đi đầu tiên trong việc thành lập chính phủ mới, với việc bổ nhiệm Tỉnh trưởng tỉnh Nam Jeolla Lee Nak-yon làm Thủ tướng cùng các vị trí Chánh văn phòng phủ Tổng thống, Giám đốc Cơ quan Tình báo và Cơ quan An ninh quốc gia.

Ổn định kinh tế sẽ là một trong những thách thức lớn nhất mà ông Moon phải giải quyết, do những vấn đề mà Hàn Quốc đang phải đối mặt còn vượt xa cuộc khủng hoảng ngoại hối vào năm 1997. Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang chịu nhiều sức ép từ nợ hộ gia đình ở mức kỷ lục, tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao và việc quá lệ thuộc vào ngành xuất khẩu khiến Hàn Quốc yếu thế khi bị trả đũa kinh tế. Điều quan trọng là ông Moon Jae-in tuyệt đối không nên để lặp lại sai lầm giống như người tiền nhiệm Park Geun-hye, nhất là trong mối quan hệ giữa chính phủ và các tập đoàn gia đình (chaebol).

Trong đối ngoại, lập trường về vấn đề của CHDCND Triều Tiên có thể đặt ông Moon vào thế mâu thuẫn với Tổng thống Mỹ Donald Trump - người nhấn mạnh có thể hành động quân sự để chặn những tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bởi, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Moon phản đối việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD) và tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong điều kiện phù hợp. Nếu muốn triển khai Chính sách Ánh dương 2.0 (chương trình đối thoại và viện trợ kinh tế cho Triều Tiên), tân Tổng thống Moon Jae-in cần phải thuyết phục những người chỉ trích rằng, việc nối lại hợp tác kinh tế sẽ không tạo nguồn vốn cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngay sau khi ông Moon trở thành tân chủ nhân Nhà Xanh, chính quyền Bắc Kinh đã lập tức nhắn nhủ tới tân Tổng thống Hàn Quốc nên góp phần xoa dịu căng thẳng bằng việc dừng chương trình THAAD và ủng hộ đối thoại với Bình Nhưỡng. 

Việc phải theo đuổi chiến lược ngoại giao độc lập, sức ép từ mối quan hệ nhạy cảm với các nước láng giềng và các thách thức về kinh tế sẽ tạo nên một nhiệm kỳ 5 năm đầy thử thách của tân Tổng thống Moon Jae-in.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần