Tăng 3 phiên liên tiếp, S&P 500 chốt tuần tăng mạnh nhất từ tháng 3

Nguyễn Thu (Theo Reuters, AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chứng khoán Mỹ sụt nhẹ trong phiên cuối tuần, song chỉ số S&P 500 vẫn có tuần leo dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2018 nhờ tăng liền trong 3 phiên trước đó.

Chứng khoán Mỹ chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liền trong ngày 2/11, khi cổ phiếu Apple sụt giảm mạnh nhất trong 4 năm quan sau dự báo đáng thất vọng.
Các cổ phiếu tại Phố Wall trong phiên này chịu ảnh hưởng trước thông tin từ Nhà Trắng làm giảm bớt lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Cổ phiếu Apple lao dốc 6,6%, đẩy giá trị vốn hóa công ty rớt mốc 1.000 tỷ USD vào cuối phiên, một ngày sau khi nhà sản xuất iPhone cảnh báo doanh số trong quý IV có thể thấp hơn kỳ vọng.
 Dow Jones ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2018, còn S&P 500 chứng kiến tuần leo dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2018.
Dự báo đáng thất vọng trên đã tác động tiêu cực đến các nhà cung cấp tại Mỹ của Apple, chủ yếu là các hãng sản xuất con chip, và khiến lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 sụt 1,9%.
Bên cạnh đó, phát biểu của Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow với hãng tin CNBC về các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc cũng làm giảm tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.
Theo ông Kudlow, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình trong tháng này, ông Trump lại chưa yêu cầu các quan chức Mỹ xây dựng một kế hoạch thương mại đề xuất. Thông tin này trái ngược với báo cáo một ngày trước đó đã làm dấy lên hy vọng về việc sớm giải quyết xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các cổ phiếu nới rộng đà giảm điểm sau những phát biểu từ ông Kudlow, đặc biệt chỉ số công nghiệp thuộc S&P 500, vốn nhạy cảm với thương mại, hạ 0,3%.
Michael Matousek - Giám đốc giao dịch tại U.S. Global Investors, nhận định: “Điều đó nói lên hàng rào thuế quan vẫn là một yếu tố quan trọng, và từ phản ứng mà chúng ta thấy được ở đây chứng tỏ chính sách thuế quan có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các quyết định đầu tư hơn so với những dự đoán trước đó”.
Ngoài ra, trong báo cáo công bố ngày 2/11, Bộ Lao động Mỹ cho biết các nhà tuyển dụng đã cung cấp 250.000 việc làm trong tháng 10, đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2009. Mức tăng trưởng việc làm phục hồi mạnh mẽ  cho thấy sự thắt chặt thị trường lao động có thể khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất vào tháng 12 tới, yếu tố giúp đồng USD tăng giá nhưng không giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/11, chỉ số Dow Jones hạ 109,91 điểm (tương đương 0,43%) xuống 25.270.83 điểm; chỉ số S&P 500 sụt 17,31 điểm (tương đương 0,63%) còn 2.723.06 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 77,06 điểm (tương đương 1,04%) xuống 7,356.99 điểm.
Dẫu vậy, Dow Jones vẫn ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2018, còn S&P 500 chứng kiến tuần leo dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2018. Cụ thể, trong tuần qua, Dow Jones và S&P 500 đều tăng 2,4%, Nasdaq Composite tăng vọt 2,7%.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm trong ngày 2/11 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá tích cực về cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Kết thúc ngày giao dịch 2/11, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng 2,6% lên mức 22.243,66 điểm. Chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng leo dốc 3,5%
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong nhích 4,2% lên 26.486,35 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 2,7% lên 2.676,48 điểm khi chốt phiên.
 Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục tăng điểm trong ngày 2/11. 
Tổng thống Trump hôm 1/11 cho biết đã có cuộc điện đàm "rất tốt đẹp" với Chủ tịch Tập Cận Bình về bất đồng thương mại giữa hai nước cũng như kế hoạch gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra vào cuối tháng này ở Buenos Aires. 
Chính phủ Mỹ và Trung Quốc cho biết hai nước đang có tiến bộ trong việc xúc tiến đàm phán thương mại song phương. Thị trường tài chính toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong tháng 10 do xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.
Chứng khoán châu Á nhận được sự hỗ trợ tăng mạnh trong phiên này sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết cắt giảm thuế và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, phần lớn các thị trường đi lên trong phiên giao dịch 2/11 với hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm được giải pháp cho tình trạng xung đột thương mại hiện nay. Chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Vương quốc Anh) giảm nhẹ 0,3%. Chỉ số DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,4% và chỉ số CAC của thị trường Paris (Pháp) cũng nhích 0,3%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần