Tăng cường chế tài mạnh với hành vi chống người thi hành công vụ

Chia sẻ Zalo

KTĐt - Tình trạng chống người thi hành công vụ đang ngày càng gia tăng trong một số thanh thiếu niên hiện nay, ngoài việc giáo dục, đòi hỏi phải có chế tài mạnh trong xử lý các hành vi đó.

Đó là nhận định của Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an khi trao đổi với phóng viên về vấn đề bức xúc này.

Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về tình trạng chống người thi hành công vụ hiện nay, nhất là đối với lực lượng cảnh sát giao thông?

Theo thống kê của Bộ Công an, tình trạng chống người thi hành công vụ trong 8 tháng đầu năm 2011 đã tăng 60% so với năm 2010, tập trung vào lực lượng cảnh sát giao thông. Các đối tượng vi phạm chính là thanh thiếu niên và số lái xe sau khi uống rượu bia, do không làm chủ được hành vi khi bị kiểm tra đã có hành vi chống lại người thi hành công vụ.

Đây là vấn đề nhức nhối trong xã hội, gây phẫn nộ trong dư luận quần chúng nhân dân. Việc coi thường kỷ cương phép nước của một bộ phận nhỏ thanh thiếu niên hiện nay cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Vậy những giải pháp mà ngành Công an đưa ra để hạn chế tình trạng này là gì, thưa Thứ trưởng?

Chúng tôi tiến hành thí điểm cho lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông tập trung cùng kiểm tra, xử lý những đối tượng vi phạm an toàn giao thông như phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu giao thông…

Qua kiểm tra hành chính phát hiện nhiều đối tượng là thanh thiếu niên hư hoặc đã từng có tiền án tiền sự, luôn mang trong người nhiều loại hung khí như dao, kiếm, mã tấu, có khi cả vũ khí quân dụng khác.

Các lực lượng đã nhanh chóng phối hợp để xử lý, ngăn chặn kịp thời những đối tượng này, đã góp phần hạn chế tình trạng gây mất trật tự an toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, nếu không có sự phối hợp liên ngành giữa các lực lượng thì rất khó đạt hiệu quả như mong muốn là bảo đảm trật tự an toàn xã hội và trật tự an toàn giao thông.

Trong 20 ngày đầu ra quân thí điểm của công an Hà Nội, khi 3 lực lượng này phối hợp với nhau thì tình trạng chống người thi hành công vụ đã giảm  tới 70-80%. Bên cạnh đó là phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng. Trong đó, thu giữ hàng nghìn các loại hung khí, súng tự tạo khác nhau.

Thời gian tới, rút kinh nghiệm từ công tác thí điểm của Công an Hà Nội, Bộ Công an đã  bước đầu sơ kết công tác này và triệu tập công an 18 tỉnh, thành phố có nhiều đối tượng có hành vi tội phạm chống người thi hành công vụ về Hà Nội để rút kinh nghiệm. Đến nay, 18 địa phương đã triển khai và bước đầu có hiệu quả. Qua theo dõi những ngày đầu tháng 9 này, tình trạng chống người thi hành công vụ đã giảm đáng kể.

Thưa Thứ trưởng, đấy cũng chỉ mới là những giải pháp mang tính tạm thời trước mắt. Vậy những biện pháp, chế tài lâu dài mà các cơ quan như Bộ Công an đang tính đến là gì?

Đúng vậy. Đây là những giải pháp “hạ nhiệt” tạm thời thôi. Tới đây, các cơ quan có liên quan cần tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền như Quốc hội, Chính phủ để sửa đổi một số đạo luật, nghị định theo hướng tăng chế tài đối với hành vi này.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Có thể nói việc này đã đáp ứng yêu cầu về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng cho các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác của mình.

Tôi tin rằng, khi Pháp lệnh có hiệu lực vào ngày 1/1/2012, việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói chung sẽ tốt hơn  nhiều.

Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần