Tăng cường công tác thanh tra, chống thất thu NSNN năm 2019

Hà My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN và phân bổ NSNN năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao
Đánh giá về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, qua báo cáo của Chính phủ và kết quả giám sát tại một số địa phương, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội. Thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt dự toán.
Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các khoản thu từ khu vực kinh tế không đạt dự toán là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán cho các năm tiếp theo.
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra.
Về thu từ dầu thô, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, Chính phủ ước tính giá dầu thanh toán bình quân cả năm khoảng 72-73USD/thùng là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần thường xuyên cập nhật tình hình để đánh giá thu từ dầu thô sát với thực tế hơn. Bên cạnh đó, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước cả năm vượt 10 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ song đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu tăng thu tích cực hơn, không để nợ hoàn thuế đối với doanh nghiệp, nâng cao hơn chất lượng kiểm tra, thanh tra, chống gian lận trong hoàn thuế.
Về chi NSNN trong năm 2018, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, chi NSNN đã bảo đảm các nhiệm vụ chi quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt; việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra; chính sách giảm nghèo vẫn chủ yếu tập trung vào mục tiêu giảm nghèo về thu nhập, chưa thực hiện được theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều; một số chính sách chi hỗ trợ an sinh xã hội còn chi trùng lặp về đối tượng; một số chế độ, chính sách đã ban hành nhưng chưa bố trí đủ nguồn để thực hiện; còn hiện tượng trục lợi chính sách, gây thất thoát NSNN; việc hướng dẫn về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ, kịp thời; việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự;
Công tác tổ chức phê duyệt quyết toán dự án đầu tư chưa nghiêm, các địa phương còn tồn đọng nhiều dự án hoàn thành, chưa được phê duyệt quyết toán theo quy định; việc sắp xếp, tổ chức lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa có chuyển biến mạnh. Số lượng các quỹ tài chính ngoài ngân sách do các bộ, cơ quan trung ương quản lý chưa giảm so với các năm trước; một số quỹ trùng lặp mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng…
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, tình trạng giao vốn đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật chưa được khắc phục: Tình trạng giao vốn chưa hết, giao vốn rất chậm, giao nhiều lần vẫn xảy ra. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm. Một số dự án chưa được thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công nên phải điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; một số dự án chưa thu hút được nguồn lực đầu tư ngoài NSNN theo chủ trương được phê duyệt...
Trong thực tế điều hành NSNN năm 2018, có phát sinh một số dự án sử dụng vốn vay, viện trợ nước ngoài chưa được giao dự toán. Chính phủ đã có Tờ trình về từng nội dung, báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận về mặt nguyên tắc, cho phép giải ngân theo cam kết với các nhà tài trợ và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bổ sung dự toán NSNN năm 2018 tại Kỳ họp thứ 6. Vì vậy, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí các nội dung Chính phủ báo cáo Quốc hội về điều chỉnh, bổ sung NSNN năm 2018, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Từ thực tế phát sinh vướng mắc trong năm 2017 về một số khoản chi thường xuyên không được chuyển nguồn, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2018 để khắc phục, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương rà soát, kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư đã giao nhưng không giải ngân hết để bố trí xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, không để chuyển nguồn lớn sang năm sau; rà soát hệ thống văn bản liên quan, trong đó, đề nghị rà soát lại quy định của Nghị định 126/2017/NĐ-CP về “chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần” để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật NSNN.
Bố trí ngân sách để trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn
Về dự toán NSNN năm 2019, từ kết quả thu nội địa các năm gần đây, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, cơ cấu thu của ngân sách trung ương còn thấp để có giải pháp phù hợp thúc đẩy tăng trưởng nguồn thu, cơ cấu lại nguồn thu, xây dựng dự toán sát thực tế, tăng cường công tác thanh tra, chống thất thu NSNN. 
Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn để các đơn vị thực hiện xây dựng phương án tự chủ phù hợp với thực tế. Đánh giá việc thực hiện cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.
Về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc phân bổ ngân sách trung ương phải bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn NSNN; bám sát các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Cùng với đó, bố trí ngân sách, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp khác có nguồn gốc từ NSNN để bảo đảm các mức chi cho giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội. Bố trí tăng ở mức hợp lý cho y tế, văn hóa thông tin, hoạt động đối ngoại, công tác hoàn thiện thể chế và phổ biến pháp luật.
Bố trí ngân sách để trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn; bố trí nguồn lực đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, dành nguồn dự phòng theo quy định để chủ động xử lý các tình huống đột xuất, cấp bách như thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tăng dự trữ quốc gia, quốc phòng-an ninh. Đặc biệt, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo đảm việc phân bổ hết số kinh phí thường xuyên, vốn đầu tư phát triển được giao đúng thời hạn, hạn chế tối đa số chuyển nguồn sang năm sau.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ phân bổ chi thường xuyên đối với các lĩnh vực chi để thực hiện các chế độ, chính sách bảo đảm chặt chẽ, sát với nhu cầu thực tế. Không bố trí dự toán chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ chưa có đầy đủ căn cứ theo quy định. Đảm bảo việc phân bổ và giao dự toán NSNN đúng thời hạn theo quy định của Luật NSNN năm 2015.
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đã trình bày ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần