Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội với các địa phương; đồng thời, phát huy tối đa sức sáng tạo, chủ động của các cơ quan quản lý, các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, đề cao sự hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin trong giải quyết công việc quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương.
Hà Nội có thế mạnh về du lịch văn hóa di sản nhờ sở hữu 5.175 di tích, văn hóa lịch sử, trong đó có 1.050 di tích được xếp hạng quốc gia; nhiều di sản đã được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lễ hội Gióng... Với 1.350 làng nghề và có nhiều làng nghề nổi tiếng: Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, thêu Quất Động...; địa thế núi non, sông hồ đa dạng và nhiều hồ nước nổi tiếng: Hồ Gươm, Hồ Tây, Suối Hai..., Thủ đô có thể phát triển du lịch làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí. Những năm qua, du lịch Hà Nội đã khẳng định vai trò, vị trí là một ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định và được thế giới đánh giá cao: Một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Châu Á, điểm đến hấp dẫn thứ 8 thế giới...
Trong khi đó, đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống tài nguyên du lịch tương đối phong phú và mang tính đặc thù, có nét độc đáo riêng gắn với sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đồng thời, khu vực này là nơi giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm nên sở hữu khối tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc.
Với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các tỉnh, TP vùng đồng bằng song Cửu Long như: Phối hợp tổ chức nhiều đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm, hợp tác kết nối tour, tuyến từ TP Hà Nội với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Hà Nội đã tham gia nhiều hội chợ thương mại, du lịch tại một số địa phương trong khu vực này như Cần Thơ, An Giang...
Ngược lại, ngành du lịch các tỉnh, TP vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng tham gia các hội chợ thường niên của TP Hà Nội gồm: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống... Việc hợp tác đã phát huy hiệu quả với hàng chục nghìn lượt khách từ Hà Nội đến vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm.
Hà Nội đã, và sẽ tiếp tục giúp các tỉnh, TP vùng đồng bằng sông Cửu Long xác định lợi thế của mình, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để giới thiệu tới người dân Hà Nội chung như du khách trong và ngoài nước tới Thủ đô. Từ đó, kéo du khách đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long trong quảng bá, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực quản lý và phục vụ du lịch.
Tọa đàm Liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội – An Giang – Cần Thơ – Kiên Giang – Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng – Hậu Giang đã mở ra nhiều hướng liên kết, hợp tác giữa các DN du lịch Hà Nội và 7 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tin rằng, tới đây, sẽ có nhiều hợp đồng du lịch được ký kết, góp phần thúc đẩy lượng du khách tới các địa phương.
Được biết, ngày 23/6, đoàn công tác của Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long sẽ tham quan Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội và Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Đây là những điểm đến nổi bật của Thủ đô.