Theo Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh, chủ trương XHH là đúng, cơ sở pháp lý cho XHH cũng đầy đủ. Hà Nội có tiềm năng, có nhu cầu, nhưng hiệu quả đạt được cũng mới chỉ ở bước đầu, chưa tương xứng.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết, thực hiện chủ trương XHH lĩnh vực giáo dục, y tế, quận đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bằng môi trường thông thoáng, công khai minh bạch, chuẩn hóa các quy trình, thủ tục để huy động tối đa nguồn lực. Nhờ vậy đến nay, Hà Đông đã có 12 trường học ngoài công lập và gần 100 cơ sở mầm non tư thục. Quận đang thí điểm mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao tại trường THCS Lê Lợi, Mỗ Lao và chuẩn bị triển khai tiếp tại một số trường tiểu học. Các trường công lập cũng chủ động trong XHH, qua ba năm đã huy động được tổng trị giá gần 100 tỷ đồng, góp phần cải tạo cơ sở vật chất, đưa 90% số trường học đạt trường học thân thiện. Các loại hình dịch vụ y tế tư nhân tại quận cũng phát triển mạnh với 2 bệnh viện tư nhân được đầu tư lớn, 18 phòng khám đa khoa, 107 phòng chuyên khoa...
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ông Trường cũng thừa nhận vẫn còn một số nơi vận động XHH chưa đúng cách, thiếu hiệu quả; việc quản lý các nguồn vật lực, sử dụng kinh phí cũng phát sinh những bất cập. Việc phân bổ các cơ sở y tế tư nhân cũng là vấn đề cần xem xét lại cho phù hợp.
Ghi nhận những kết quả đạt được của Hà Đông trong công tác XHH, tuy nhiên, Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh yêu cầu quận có đánh giá, phân tích những mặt được, chưa được để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Các cấp chính quyền phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các phòng khám, nhà thuốc, trường ngoài công lập về chất lượng, mức phí so với khả năng của người dân. Chống lạm thu XHH từ phụ huynh trong các trường công lập, sử dụng quỹ đúng mục đích. Với các cơ sở y tế cũng nên phối hợp với các sở, ngành quan tâm hơn đến quản lý Nhà nước về giá thuốc, giá khám chữa bệnh…