66% số xã đạt chuẩn NTM
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, tính đến hết quý I/2018, toàn TP đã hoàn thành gieo cấy vụ Xuân với 120.000ha, đạt 100% kế hoạch. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hình thành nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Toàn TP đã xây dựng được 120 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC), 95 mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Về xây dựng NTM, đến nay, TP có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức; Có 255/386 xã (chiếm 66%) được công nhận đạt chuẩn NTM và 39 xã đã được Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đồng ý trình Chủ tịch UBND TP công nhận. Đáng chú ý, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016) giảm xuống còn 2,57% (cuối năm 2017). Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 86%; trên 91% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; 100% số xã có máy tính kết nối Internet…
Bên cạnh đó, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ nông dân được các địa phương vào cuộc quyết liệt. Đến nay, toàn TP đã cấp được 616.704/622.861 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, đạt 99,1%. Trong đó, một số địa phương đã hoàn thành 100% như huyện Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây. Đáng nói, ngân sách TP đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho xây dựng NTM với tổng số vốn hơn 25.000 tỷ đồng. Mặt khác, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các DN và Nhân dân tự nguyện đóng góp được hơn 2.200 tỷ đồng.
Sớm ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nâng cao
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, các địa phương và Sở NN&PTNT cần đặc biệt quan tâm nhằm tạo đột phá trong ứng dụng CNC và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, các huyện cần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp từ TP đến cơ sở, đặc biệt là hệ thống đê điều. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các dự án nông nghiệp đảm bảo đúng yêu cầu, hiệu quả.
Về xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình sinh hoạt cộng đồng ở huyện Phúc Thọ. Đối với các sở, ban ngành tiếp tục tham mưu cho UBND TP việc trình HĐND TP về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì, nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM ở các huyện, các xã đạt chuẩn. Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2018, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, các xã cần tập trung quyết liệt để đạt mục tiêu năm 2018, TP có tối thiểu 26 xã mới đạt chuẩn NTM. Vì vậy, việc đầu tư cần đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. “Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng NTM, các sở, ngành tham mưu cho UBND TP để sớm ban hành bộ tiêu chí chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM nâng cao” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Nhằm tiếp tục nâng cao đời sống nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các địa phương đẩy mạnh các chương trình Quốc gia về y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo. Đặc biệt là quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống chính trị và giải quyết điểm nóng về an ninh nông thôn; công tác khuyến nông và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cùng với đó, duy trì và nâng cao hiệu quả các phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; xây dựng làng, cơ quan, đơn vị văn hóa gắn với 2 bộ quy tắc ứng xử đang triển khai. Đối với các huyện có nhiều làng nghề, cần tập trung phát triển cụm công nghiệp làng nghề để giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 02, trước mắt các huyện cần sớm hoàn thành báo cáo sơ kết chương trình giữa nhiệm kỳ. Việc tổ chức sơ kết phải đảm bảo thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức. Đối với các kiến nghị của 5 huyện tập trung vào 4 nhóm vấn đề, gồm nông nghiệp, quy hoạch, giáo dục, môi trường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT, Sở Quy hoạch, Sở Giáo dục, Sở TN&MT khẩn trương thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các huyện và báo cáo cụ thể kết quả trong quý II/2018.