Tăng cường quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo

An Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị về quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” ngoài thi cử, sách giáo khoa thì một trong những mũi phải đổi mới rất mạnh đó là công tác quản lý, thực hiện dân chủ để làm sao có môi trường giáo dục thực sự cởi mở, để cho tất cả những giá trị tốt đẹp trong nghiên cứu, trong giảng dạy được bừng nở. Nhưng thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo có những đặc thù không giống ở phường, xã, và trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) cũng khác với trường phổ thông, tiểu học, mầm non.
 Minh họa. Nguồn Internet

Khi Phó Thủ tướng đặt câu hỏi hiện có bao nhiêu trường ĐH, CĐ đã thành lập hội đồng trường, đại diện Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) không đưa ra được thống kê đầy đủ, mà chỉ có số liệu ở phạm vi ngành mình quản lý. Cụ thể, có 16/38 trường ĐH thuộc Bộ GD&ĐT; 30% trường cao đẳng nghề có hội đồng trường.

"Việc thành lập hội đồng trường là “chỉ số" cơ bản, dễ thấy nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở trường ĐH, CĐ nhưng các đồng chí nắm cũng không đầy đủ. Số liệu có được thì số trường có hội đồng trường cũng không nhiều dù luật đã quy định. Đây là ví dụ cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ trong các trường ĐH, CĐ đang như ở mức nào”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Ý kiến nhiều đại biểu cùng bày tỏ quan điểm phải tăng cường tự chủ trong các trường học, nhất là khối ĐH, CĐ, mới phát huy được hết dân chủ cơ sở khi đội ngũ giáo viên, giảng viên được tự quyết định, thấy được trách nhiệm, quyền lợi của mình gắn chặt với sự phát triển của nhà trường thay vì làm theo chỉ đạo từ cấp trên, cơ quan chủ quản.

Qua các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định thực hiện dân chủ cơ sở nói chung, trong đó có các cơ sở đào tạo, ngành giáo dục, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước nhưng trước hết của các cơ cấu lãnh đạo, của cán bộ, giáo viên nhà trường, tùy từng mức là của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.

Đi vào cụ thể, Phó Thủ tướng nêu một số giải pháp rất quan trọng để đảm bảo thực hiện dân chủ ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, trong đó nhấn mạnh đến tăng cường tự chủ trong trường học, nhất là khối trường ĐH, CĐ. Bởi không thể có dân chủ khi cơ quan quản lý vẫn “cầm tay chỉ việc,” áp đặt từ trên xuống về chuyên môn, và đặc biệt là về nhân sự.

Cùng với đó là sự cần thiết phải xây dựng có cơ chế đánh giá, giám sát đo, đếm được đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học. “Đây là việc rất quan trọng, phải có cơ chế để giáo viên đánh giá cơ cấu lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo; học sinh và phụ huynh đánh giá giáo viên. Chúng ta phải có cơ chế cụ thể chứ giám sát chung chung thì không được”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng về cơ bản văn bản liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở đã tương đối đầy đủ và vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện, mà nguyên nhân chính là chúng ta không công khai, minh bạch thông tin.

Sau hội nghị này, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH phải ban hành ngay văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo phải thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến tập thể khi xây dựng các quy chế hoạt động; công khai, báo cáo minh bạch những thông tin này để cơ quan quản lý nhà nước nắm được, để học sinh, phụ huynh, cộng đồng cùng giám sát.