Tăng cường tham mưu về chính sách để thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/9, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức giai đoạn 2016-2020” tại Sở NN&PTNT.

 Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu kết luận buổi làm việc.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, thời gian qua, Sở luôn quán triệt và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác CCHC đến các đơn vị trực thuộc; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị bám sát kế hoạch để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Theo đó, về công tác cải cách thể chế, từ năm 2016 đến nay, 100% các văn bản của Sở ban hành đúng trình tự, thể thức quy định. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp được công khai, minh bạch và dễ tiếp cận.
Đối với công tác cải cách hành chính, các TTHC có liên quan đến các tổ chức, công dân được thực hiện thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông và có quy trình ISO tương ứng kèm theo. Đến nay đã cung cấp 16 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đảm bảo 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn quy định; người dân và DN khi đến Sở, các đơn vị thuộc Sở đều hài lòng về sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bên cạnh đó, Sở đã thực hiện nghiêm túc công tác cải cách bộ máy và đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, sau khi sắp xếp lại, cơ cấu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở còn 22 đầu mối (giảm 11 đầu mối). Sở chấp hành các quy định của pháp luật trong xử lý đối với các cơ quan, đơn vị đã có quyết định sáp nhập. Tuy giảm 30% số lượng đầu mối song các đơn vị đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả và góp phần nâng cao kết quả hoạt động của ngành.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, CCHC là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngay đầu nhiệm kỳ, TP đã chọn CCHC là một trong những chương trình trọng tâm và kiên trì triển khai nhiều năm qua. Theo đó, về thực hiện CCHC thì Hà Nội đứng Top đầu cả nước. Trong kết quả đó có sự đóng góp của Sở NN&PTNT.
Đối với Sở, đã làm tốt công tác cải cách, sắp xếp bộ máy không để nảy sinh vấn đề phức tạp; tích cực tham mưu cho TP những cơ chế, chính sách để thức đẩy phát triển nông nghiệp và đến nay có một số chính sách phát huy rất tốt trong thực tế; cơ bản làm tốt công tác CCHC… 
Đối với nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy  đề nghị, Sở cần tiếp tục rà soát lại quy trình, quy chế, nguyên tắc làm việc. Nhất là trong vấn đề điều hành, quản lý phải khoa học, hiệu quả và tổ chức thực hiện phải đảm bảo tính thống nhất. Ngoài với, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cần tiếp tục thúc đẩy tư vấn tốt cho TP trong vấn đề cơ chế chính sách để khi ban hành có thể áp dụng vào thực tiễn ngay.
Về tổ chức bộ máy, xem xét lại việc bố trí cán bộ sau khi sắp sếp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm một cách đủ điều kiện và đúng vị trí công việc. Đối với những cán bộ chưa đủ điều kiện cần tăng cường đào tạo để hoàn thành các chứng chỉ nghiệp vụ theo quy định. Trong quá trình làm, cần sắp sếp rõ vị trí từng người và phải công khai, minh bạch để tránh phát sinh khiếu kiện. “Đối tượng tham gia hợp đồng nhiều năm, Sở Nội vụ cần phối hợp với Sở NN&PTNT để lắng nghe từng đơn vị thuộc Sở và tháo gỡ khó khăn. Tích cực tham mưu TP để từ đó nâng cao hiệu quả bộ máy. Việc thi tuyển viên chức, công chức của Sở cần nghiên cứu thực hiện theo đúng chỉ đạo của TP để nâng cao năng lực cán bộ. Việc giảm vẫn phải giảm nhưng vẫn đảm bảo số lượng cán bộ đảm nhiệm các chức năng nhiệm vụ theo yêu cầu” - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, trong lĩnh vực quản lý điều hành của các trung tâm, chi cục cần thực hiện hiệu quả việc thực hiện hỗ trợ nhà nước đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát để ngăn chặn các tiêu cực về quản lý rừng, hồ thủy lợi, quản lý đất đai, đê điều...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần