Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng

Bảo Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, TP Hà Nội đã tổ chức “phạt nguội” qua camera. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nguồn ngân sách còn hạn chế, việc trang bị “mắt thần” trên tất cả các tuyến đường, nút giao là điều không đơn giản.

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân tham gia tố giác những hành vi vi phạm luật giao thông.
Huy động sức mạnh của hàng triệu “mắt thần”

Đầu tháng 4/2017, trên diễn đàn OtoFun chia sẻ một clip về việc xe ôtô BKS 29LD - 02529 cố tình đi ngược chiều trên cầu vượt Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng gây cản trở, mất ATGT. Ngay sau khi clip trên đăng tải, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã tiến hành triệu tập và ra xử phạt hành chính 1 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe (GPLX) 2 tháng đối với tài xế vi phạm.
 Nhiều chủ xe ô tô lắp camera hành trình để giám sát giao thông trên đường. Ảnh: Việt Dũng
Trước đó, ngày 28/3, trên các trang mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một số ôtô loại nhỏ chạy trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang bất ngờ quay đầu đi ngược chiều. Cũng giống như trường hợp trước, ngay sau khi clip được đăng tải, Cục CSGT (Bộ Công an) đã ra quyết định xử phạt 3 tài xế đi ngược chiều trên cao tốc, mỗi người 7,5 triệu đồng và tước GPLX trong 5 tháng…Đó chỉ là con số rất nhỏ trong rất nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông được các lực lượng chức năng xử phạt thông qua các clip được trích xuất từ camera hành trình của người dân. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho rằng, đây là biện pháp tích cực, không những tăng tính giám sát của người dân mà còn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Cũng theo lãnh đạo Phòng CSGT, hiện tại, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường, Công an TP Hà Nội đã bố trí hàng trăm camera giám sát tại nhiều nút giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để các hành vi vi phạm vẫn gặp không ít khó khăn. Do đó, việc người dân chủ động ghi lại các hành vi vi phạm luật giao thông rõ thời gian, địa điểm, người điều khiển phương tiện vi phạm sẽ là cơ sở để các lực lượng chức năng xử lý theo quy định.

Cần những cơ chế cụ thể

Theo nhiều chuyên gia giao thông, trong hoàn cảnh hạ tầng giao thông còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, thì một trong những biện pháp có tính răn đe, thay đổi thói quen xấu của người tham gia giao thông chính là “phạt nguội”. Bởi vì, sẽ không có một lực lượng nào đủ sức “phủ” kín các nút giao, các tuyến đường 24/24 giờ để kịp thời phát hiện và xử lý người vi phạm. Do đó, việc tăng cường “phạt nguội” thông qua hệ thống camera giám sát của các lực lượng chức năng, đặc biệt của người dân là điều rất cần thiết. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, để khuyến khích người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm luật, các cơ quan chức năng cần xem xét thưởng nóng cho người quay clip đó như cách Đà Nẵng đã từng thực hiện trong việc xử lý hàng rong.

Liên quan đến vấn đề này, một số lãnh đạo đội CSGT trên địa bàn TP Hà Nội cho rằng, việc khuyến khích, thậm chí thưởng nóng cho người quay clip tố giác các hành vi vi phạm giao thông nói riêng và vi phạm pháp luật nói chung là điều đáng để suy ngẫm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn kinh phí được trích ra để thưởng cho người quay clip sẽ được lấy từ đâu? Ngoài ra, cần xem giải quyết những vướng mắc trong việc “phạt nguội” thông qua camera, điển hình như việc xe vi phạm là xe đi thuê, có hợp đồng đầy đủ. “Trong thời gian thuê xe, người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông bị "phạt nguội", hết thời gian thuê xe, lực lượng chức năng ra thông báo "phạt nguội" thì ai là người chịu trách nhiệm, chủ xe hay người thuê xe?” – lãnh đạo một đội CSGT chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần