Tăng đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những việc nhỏ đến những việc lớn trong đời sống, hay tinh thần thái độ của cán bộ, công chức, rồi một số cơ chế chính sách chưa phù hợp, đều được nêu ra tại các buổi đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.

Qua đó, không chỉ góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp việc giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) chuyển biến tích cực. 
Rõ trách nhiệm

Theo nhận định của các cơ quan chức năng của TP Hà Nội, năm vừa qua, số vụ KNTC vượt cấp lên T.Ư đã giảm, hầu hết các vụ việc đã và đang phát sinh đều được TP nắm bắt kịp thời, xem xét xử lý thấu đáo, không để phát sinh thành điểm nóng. Đây thực sự là kết quả đáng mừng, khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp đã giúp tháo gỡ những lực cản lớn cho các địa phương trong việc tạo ổn định, đồng thuận để phát triển.
 Một buổi tiếp công dân tại Viện KSND TP Hà Nội.
Cụ thể, năm vừa qua, từ giải quyết KNTC, đã kiến nghị thu hồi 2.766 triệu đồng và 3.617m2 đất; hoàn trả cho công dân 3.217 triệu đồng và 2.455m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể và 55 cá nhân đã để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 4 vụ. Nhưng quan trọng hơn, việc giải quyết KNTC, các cơ quan hành chính đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn TP.

Có thể nói rằng, chính việc tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến từ cơ sở đã giúp giải quyết những kiến nghị của Nhân dân. Hà Nội vẫn duy trì lịch lãnh đạo TP tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ ba tuần thứ ba hằng tháng, kịp thời điều chỉnh những bất cập cho phù hợp. Tại tất cả các địa phương, việc thực hiện Quyết định số 2200 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP” đã đi vào nền nếp và nhiều sáng tạo. Các địa phương đã tổ chức đối thoại về các chuyên đề như thủ tục hành chính, gỡ khó cho DN, về thủ tục cấp “sổ đỏ”… để giúp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho người dân, DN. Đặc biệt, chính vì “áp lực” lời hứa của người đứng đầu với người dân như vậy nên các cơ quan chức năng phải tập trung, đeo bám giải quyết hơn để có đáp án cụ thể, vừa chất lượng, vừa đảm bảo tiến độ đề ra. Điều này không chỉ giúp cho từng kiến nghị của người dân được giải quyết tốt, còn giúp cho nhiệm vụ chung “trôi” hơn, đạt hiệu quả hơn.

Lắng nghe, tạo đồng thuận

Có thể nói, việc duy trì việc lãnh đạo TP, người đứng đầu tăng cường đối thoại với người dân còn giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc cụ thể ngay từ khi phát sinh, không trở thành điểm nóng.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, tình hình KNTC vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, phát sinh trong quá trình triển khai GPMB một số dự án phát triển giao thông đô thị; công tác dồn điền, đổi thửa xây dựng nông thôn mới... Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo, chỉ đạo tại địa bàn, nhất là khi triển khai các dự án, công trình lớn để có giải pháp can thiệp sớm những phát sinh khiếu nại. Dù tỷ lệ KNTC sai chiếm một tỷ lệ lớn, những vụ việc nhỏ, nếu không được giải quyết kịp thời, giải quyết dứt điểm ngay, sẽ tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc cho Nhân dân và đó là một lực cản cho sự phát triển.

TP đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh, tiếp công dân... Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC từ TP xuống các quận, huyện. Đó là cơ sở hữu ích để nâng chất lượng giải quyết KNTC. Nhưng để hiệu quả hơn nữa, nhiều ý kiến đã chỉ rõ, người đứng đầu các địa phương cần xác định rõ thẩm quyền, chủ động đối thoại, nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, đặc biệt là với các vấn đề nóng. Chỉ có sự lắng nghe, đi đến cùng vụ việc, mới tạo được sự đồng thuận, tránh được tình trạng đơn thư KNTC chạy lòng vòng, vượt cấp; mới tránh được tình trạng khiếu kiện “chuyên nghiệp” kéo dài nhiều năm không dứt.