Tăng giá là tính tất yếu của thị trường

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, thị trường BĐS tại Hà Nội đã chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ về các huyện ngoại thành, đặc biệt là các khu vực chuẩn bị được nâng cấp hành chính thành quận.

 Giám đốc thị trường – Công ty Dịch vụ BĐS JLL Việt Nam Nguyễn Hồng Vân
Đây là xu thế tất yếu của thị trường và sẽ còn tiếp tục trong 2020 và những năm tiếp theo. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc thị trường – Công ty Dịch vụ BĐS JLL Việt Nam Nguyễn Hồng Vân để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Thời gian gần đây, khu vực chuẩn bị được nâng cấp hành chính thành quận của Hà Nội đã được nhiều nhà phát triển BĐS quan tâm. Bà có đánh giá thế nào về xu thế này?
- Việc các nhà phát triển BĐS tập trung đầu tư vào các dự án tại các huyện vùng ven của Hà Nội, đặc biệt là các huyện đã được phê duyệt đề án để chỉnh trang, nâng cấp hành chính thành quận là xu thế tất yếu của thị trường và cũng là nhu cầu phát triển hết sức tự nhiên. Lý do có thể dễ dàng nhận thấy là khi vùng nội đô đã trở nên chật chội, quỹ đất hạn chế, giá đất tăng cao... thì dưới góc độ của các nhà đầu tư, họ cũng muốn tìm đến những giải pháp để có được những chi phí đầu tư thấp hơn.
Thêm một điều nữa, có thể nhìn từ góc độ của bên mua, hiện nay, dân số Việt Nam là dân số trẻ, các cặp vợ chồng mới kết hôn chưa có thời gian tích lũy về tài chính nên sẽ khó có thể có khả năng mua một căn hộ trong khu vực nội đô. Do đó họ cũng có nhu cầu tìm một sản phẩm ở những khu vực xa trung tâm hơn một chút với giá tiền phù hợp với khả năng tài chính.
Việc các nhà phát triển BĐS có xu hướng dịch chuyển, khai thác những vùng đất mới khu vực ven đô, các huyện ngoại thành của Hà Nội thực chất không còn mới, mà đã diễn ra ở rất nhiều nước trên thế giới rồi.
Nhưng việc nâng cấp hành chính các huyện thành quận trong thời gian qua đã làm cho giá BĐS tại các khu vực này tăng mạnh. Theo bà, tình trạng này có còn tiếp diễn trong thời gian tới?
- Nhìn nhận một cách khách quan, trong thời gian qua, việc phát triển các dự án BĐS ra vùng ven, trong đó có cả các khu vực chuẩn bị được nâng cấp thành quận của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng đúng là khi có thông tin một số huyện ven đô được nâng cấp hành chính thành quận đã làm cho giá đất tại các khu vực này tăng vọt hàng năm, một số khu vực xảy ra tình trạng “sốt đất" ảo vượt quá với giá thực tế của thị trường và khả năng của người mua.
Khi UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt đề án sắp xếp, đầu tư 4 huyện, gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì thành quận vào năm 2020, giá đất tại các khu vực này lại tiếp tục rục rịch tăng.
Theo tôi, ở thời điểm hiện tại khó có thể xảy ra tình trạng giá tăng vọt như ở thời điểm trước đây, bởi trong năm qua các khu vực này đã tăng khá nhiều rồi. Giả dụ nếu xảy ra hiện tượng tăng giá cũng chỉ mang tính tạm thời, mỗi khu vực có thể sẽ có mức tăng giá khác nhau, tùy thuộc vào mức độ đầu tư, thời điểm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiện ích. Nếu thị trường ghi nhận tình trạng tăng giá quá nhanh thì đây là tình trạng "sốt đất" ảo.
Theo bà, những hạn chế tác động đến thị trường BĐS tại các khu vực này là gì và giải pháp để khắc phục như thế nào?
- Hạn chế lớn nhất tại các khu vực này là hệ thống giao thông. Ví dụ trong khoảng thời gian từ 2008 – 2010, thị trường BĐS tại khu vực Hà Đông bùng nổ, nhiều gia đình trẻ đã dành sự ưu tiên cho khu vực này khi có nhu cầu sở hữu BĐS và ở các khu vực chuẩn bị lên quận cũng vậy. Đến thời điểm hiện tại, khi một người sống tại các khu vực này phải làm việc tại Hoàn Kiếm, Ba Đình... rõ ràng việc di chuyển hết sức khó khăn, mất nhiều thời gian, cùng với đó là những hạn chế về hạ tầng xã hội.
Hạn chế về hạ tầng nói chung đã khiến cho việc phát triển của thị trường BĐS các huyện vùng ven, vốn đang được xem là xu thế tất yếu của thị trường chưa thực sự phát triển đúng với kỳ vọng trong thời gian gần đây. Vì vậy, muốn cho thị trường BĐS có thể phát triển bền vững tại các huyện vùng ven nói chung và các huyện chuẩn bị lên quận nói riêng phải giải quyết được bài toán về hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông.
Xin cảm ơn bà!