Tăng giá trị cho nhãn muộn Đại Thành

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Đại Thành, huyện Quốc Oai nổi tiếng với đặc sản nhãn chín muộn, với nhiều lợi thế về chất lượng và thời gian thu hoạch.

Để hỗ trợ địa phương nâng cao giá trị sản xuất, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã triển khai mô hình thực nghiệm hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân, bước đầu cho hiệu quả cao.

Cây trồng chủ lực

Nhãn chín muộn thường cho trái chín muộn hơn so với các giống nhãn đại trà khác khoảng một tháng, thu hoạch vào từ 10/8 – 20/9 dương lịch. Vì thế, giá bán của loại nhãn muộn này rất cao, dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/kg. Sản phẩm thường được các siêu thị và nhà hàng đặt mua với số lượng lớn và được khách hàng rất ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng. Nhãn chín muộn có cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt thơm rất đặc trưng.
Bà Đặng Thị Thoa, thôn Đại Tảo, xã Đại Thành đang chăm sóc nhãn tại vườn của gia đình
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành Đinh Văn Phích, những năm qua, địa phương đã không ngừng phát triển diện tích trồng cây nhãn muộn thành cây trồng chủ lực. Toàn xã Đại Thành hiện có 1.500 hộ trồng nhãn với 200ha, trong đó 170ha đến tuổi cho thu hoạch. Năm 2016, nhãn chín muộn Đại Thành được xuất khẩu thành công sang Malaysia và nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Trồng nhãn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở địa phương, nhiều gia đình thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Gia đình ông Nguyễn Huy Hạnh, thôn Đại Tảo, xã Đại Thành hiện canh tác hơn 100 gốc nhãn có tuổi đời hơn 20 năm. “Năm được mùa nhất, gia đình tôi được 30 tấn quả, thu về trên 1 tỷ đồng” – ông Hạnh chia sẻ.

Mặc dù hiệu quả kinh tế cao, song do không chủ động về kỹ thuật canh tác nên thu nhập của người dân vẫn bấp bênh. Năm 2017, vào thời kỳ nhãn đậu quả non, thời tiết nắng nóng kéo dài nên quả rụng gần hết. Bởi vậy, tổng sản lượng nhãn năm 2017 toàn xã chỉ được khoảng 350 tấn quả, doanh thu khoảng 10,5 tỷ đồng.

Thúc đẩy xuất khẩu

Để khắc phục tình trạng trên, năm 2018, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã triển khai mô hình đưa một số giải pháp nâng cao năng suất cho nhãn chín muộn. Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm đã phối hợp với chuyên gia, các hộ nông dân tham gia tổ chức một tháng/lần đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp kỹ thuật và dự báo thời tiết ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Đồng thời cử cán bộ thường xuyên theo dõi diễn biến sinh trưởng phát triển của cây để hỗ trợ nông dân áp dụng những biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm kích thích ra hoa, tăng đậu quả trên cây nhãn ứng với diễn biến thời tiết.

Tới thời điểm này, diện tích vườn cây thực nghiệm đang ra hoa và cho tỷ lệ đậu quả cao. Người trồng nhãn được tập huấn kỹ thuật nên yên tâm chăm sóc, phun thuốc, bón phân cho nhãn đúng thời kỳ, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Hiện nay, huyện Quốc Oai đang có kế hoạch xây dựng vùng trồng nhãn Đại Thành thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 200ha. Đây sẽ là điều kiện để địa phương nâng cao giá trị và thương hiệu của cây nhãn muộn Đại Thành, hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần