Tăng giá trị nếu biết làm thương hiệu

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt khoảng 176 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng ở nhóm đầu thế giới, nhưng thương hiệu hàng Việt Nam chưa được nhiều người tiêu dùng nước ngoài biết đến.

90% là xuất khẩu thô
Trong cơ cấu hàng XK của Việt Nam có một số mặt hàng có thế mạnh như nông, thủy sản, dệt may, da giày…, nhưng thương hiệu trên thị trường quốc tế hầu như không có.
Báo cáo tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho thấy, hầu hết mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn chỉ được XK ở dạng thô, nguyên liệu, nếu đã qua chế biến thường mang tên của đối tác nước ngoài. Đặc biệt, đối với các sản phẩm thuộc nhóm hàng nông, thủy sản…, tỷ lệ XK thô lên đến 90%.

Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hùng Thập

Dưới góc độ DN, ông Phí Ngọc Trịnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm cho biết, những sản phẩm thuộc nhóm hàng dệt may, da giày…, DN Việt Nam chỉ đảm nhận phần gia công, khâu thấp nhất trong chuỗi sản xuất. Trong khi các DN, tập đoàn nước ngoài nhập sản phẩm gia công của Việt Nam về thiết kế, sản xuất ra những sản phẩm thời trang gắn các thương hiệu như Mango, Zara… có giá bán lên đến vài triệu đồng/sản phẩm. Đây là lý do khiến sản phẩm XK của Việt Nam có khối lượng lớn nhưng giá trị gia tăng không cao. Ngành may mặc của Việt Nam chưa có một thương hiệu nào đủ mạnh để cạnh tranh với thế giới.
Đáng chú ý, tuy Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về XK mặt hàng gạo, song theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị gia tăng thấp, bởi sản phẩm chưa có thương hiệu và chủ yếu xuất sang các thị trường thu nhập thấp. Sản phẩm cá tra cũng tương tự, dù đã có mặt ở 125 thị trường nước ngoài. Hiện, phần lớn cá tra Việt Nam XK dưới cái tên của các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng thế giới ít biết đến sản phẩm cá tra Việt Nam.
Cấp thiết xây dựng chuỗi liên kết
Để có thể tăng giá trị gia tăng trong quá trình XK hàng Việt, việc xây dựng phát triển thương hiệu hàng XK là vấn đề bức thiết. Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần tổ chức bài bản, qua đó tạo sự liên kết giữa các DN làm nên những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.
Theo ông Tạ Hoàng Linh - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Nguyên nhân khiến DN Việt chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm XK là do DN Việt chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có giá trị dinh dưỡng cao nhưng chưa có sự phối hợp giữa người làm khoa học, người nông dân và DN chế biến, tiêu thụ để tạo ra những thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Còn đối với ngành dệt may, da giày…, DN Việt yếu về khâu thiết kế mẫu mã nên chủ yếu làm gia công XK.
Để có chiến lược xây dựng thương hiệu Việt thành công, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN cần nghiên cứu bài bản về môi trường cạnh tranh, thị hiếu tiêu dùng, từ đó phát triển thương hiệu dựa trên các thế mạnh và đặc trưng nổi bật của sản phẩm, dịch vụ theo hướng phù hợp với thị hiếu của từng phân khúc khách hàng… Bên cạnh đó, DN cần đẩy mạnh đầu tư vào các khâu có giá trị gia tăng cao như chế biến, sản xuất, thiết kế, giảm dần việc XK sản phẩm dưới dạng thô hay đảm nhận những công đoạn gia công… Đặc biệt, các DN cần tăng cường liên kết với nhau để tạo thành những chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, phân phối sản phẩm.
Thực tế cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của DN, trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước như tăng cường các chương trình xúc tiến quảng bá, giới thiệu hàng Việt ra thị trường quốc tế, kết nối giữa DN Việt với DN nước ngoài...