Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng hiệu quả dòng tín dụng vào bất động sản

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là lĩnh vực cần một khối lượng vốn lớn, trong đó có nguồn vốn ngân hàng, nhiều chuyên gia lo ngại, tín dụng chảy vào bất động sản (BĐS) sẽ làm phát sinh thêm nợ xấu cho ngân hàng.

Cùng với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và những rủi ro khi đổ vốn vào lĩnh vực này, nhiều nhà băng đã thận trọng hơn khi cho vay.
Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và GDP tăng trưởng mạnh tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường BĐS trong năm nay. Nhận định này của giới chuyên gia là có cơ sở khi gần đây Chính phủ tăng tín dụng lên 20% và tăng tỷ lệ tín dụng vào BĐS giúp thị trường có thêm nguồn tiền.

Hiện nay, thị trường căn hộ để bán đã sôi động trở lại, sau khi các DN đưa ra chiến lược mở bán và đánh giá sản phẩm phù hợp. Số căn chào bán mới và số căn tiêu thụ đều tăng. Để hấp thụ được số lượng căn hộ bán ra ngày càng nhiều, các ngân hàng cũng đồng loạt tung các gói tín dụng tài trợ vốn vay cho chủ đầu tư và người mua nhà.

Tuy nhiên, cũng bởi khả năng hấp thụ vốn rất lớn của BĐS và chứng khoán nên chuyên gia kinh tế Ngô Trí Hiếu lo ngại tín dụng không đi đúng hướng, tức là phải đổ vào sản xuất - kinh doanh, phát triển nông nghiệp, công nghiệp… Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại phiên chất vấn ngày 17/11.

PVcomBank đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch triển khai gói lãi suất ưu đãi trong cho vay dự án. Ảnh: Đinh Nguyễn

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bày tỏ lo lắng khi dòng tiền tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS tiềm ẩn rủi ro cao nếu không được kiểm soát tốt. Bởi trên thực tế, trong quá khứ đã có những thời điểm Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo để ngăn chặn tăng nóng tín dụng BĐS và phát huy tác dụng kiềm chế được nợ xấu trong toàn hệ thống.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng thương mại hiện nay trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Tỷ trọng tín dụng này đã giảm so với con số 7,7% của năm 2016. “Chúng tôi đã có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào BĐS bằng các quy định về tỷ lệ an toàn, các quy chế về sử dụng vốn vay ngắn hạn cho vay trung dài hạn” - Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay tín dụng BĐS phải kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào những phân khúc như BĐS nhà ở xã hội, nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, tránh dồn tín dụng và kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tăng trưởng nóng.

Ngân hàng “chuộng” các dự án đáp ứng nhu cầu an cư

Trước ý kiến việc đẩy mạnh cho vay mua nhà có thể dẫn tới nợ xấu bởi lĩnh vực BĐS còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, bà Nguyễn Thúy Hạnh – Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết, mỗi một dự án BĐS sẽ có phân khúc khách hàng khác nhau. Do vậy, khi cho vay, ngân hàng cần xác định các dự án phù hợp với phân khúc khách hàng và sản phẩm của mình. “Tại PVcomBank, chúng tôi quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững. Do vậy, những dự án BĐS mà PVcomBank hướng đến là các dự án BĐS phục vụ nhu cầu đời sống, phù hợp với nhu cầu mua nhà để ở của mọi tầng lớp dân cư”- bà Hạnh nói.

Nói thêm về biện pháp để hạn chế phát sinh dẫn tới nợ xấu trong lĩnh vực BĐS, bà Hạnh cho rằng, nếu các ngân hàng đều nâng cao chất lượng thẩm định chủ đầu tư cũng như thẩm định dự án ngay từ đầu, cho vay đúng đối tượng khách hàng có nhu cầu và là người tiêu dùng cuối cùng (giảm bớt đối tượng vay đầu cơ) thì khả năng nợ xấu sẽ khó có thể xảy ra.

Từ tháng 11/2017, nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng và hợp tác với các chủ đầu tư BĐS có các dự án bán hàng thời điểm cuối 2017 và năm 2018, PVcomBank đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch triển khai gói lãi suất ưu đãi trong cho vay dự án. Theo đó, tùy khả năng tài chính và nhu cầu, khách hàng có thể lựa chọn một trong các phương án như lãi suất ưu đãi cố định trong vòng 6 tháng/12 tháng/24 tháng với mức lãi suất thấp nhất chỉ 7,3%/năm.