70 năm giải phóng Thủ đô

Tăng lương hưu: Phải cân nhắc nhiều yếu tố

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hàng tháng cho 8 nhóm đối tượng là cần thiết nhưng phải có tính đồng bộ và hài hòa với các chính sách và đối tượng khác.

Người dân trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đang lĩnh lương hưu hàng tháng. Ảnh: Trần Oanh
Hai phương án tăng lương hưu, trợ cấp
Bộ LĐTB&XH đang đưa ra hai phương án tăng lương hưu, trợ cấp bảo BHXH và trợ cấp hàng tháng. Phương án 1 tăng 10%, thực hiện từ ngày 1/7/2021, nhằm bảo đảm bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của năm 2019 và năm 2020. Thực hiện theo phương án 1, số đối tượng được tăng từ ngân sách Nhà nước chi trả ước là 925.189 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng năm 2021 là 44.538 tỷ đồng; số đối tượng được tăng từ nguồn quỹ BHXH chi trả ước là 2.153.622 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng năm 2021 là 144.585 tỷ đồng. Phương án 2 tăng 15%, thực hiện từ ngày 1/1/2022 nhằm bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi lạm phát; chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của năm 2019, 2020 và 2021. Bộ LĐTB&XH tính toán, thực hiện theo phương án 2, số đối tượng được tăng từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm 47.226 tỷ đồng; số người được tăng từ quỹ BHXH chi trả ước là 2.283.819, kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng.

Trong hai phương án trên, nhiều chuyên gia lao động phân tích, phương án 1 khó khả thi. Bởi thời gian từ nay đến 1/7/2021 rất ngắn, kế hoạch ngân sách chưa có sẽ gây khó khăn cho các tỉnh, TP trong việc thực hiện. Trong khi đó, thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cũng phải chuẩn bị các điều kiện. Hơn nữa, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp nên phát triển kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn. “Bộ LĐTB&XH tính toán phương án 1 tăng 10% dựa trên những cơ sở chưa thực sự thuyết phục. Thực hiện tăng lương hưu không đồng thời với chính sách tiền lương sẽ dẫn đến mâu thuẫn với chính sách tiền lương của những đối tượng tại chức ” – PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu ý kiến.

Phải gắn với chính sách cải cách tiền lương

Theo các chuyên gia lao động, phương án 2 khả thi hơn bởi tháng 10, 11/2021 Quốc hội sẽ họp, xem xét kế hoạch năm cũ và bàn kế hoạch ngân sách, lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau. “Theo tôi, phương án 2 khả thi vì có tính tổng thể và căn bản hơn, đáp ứng được yêu cầu về cải cách tiền lương, BHXH” – TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho hay.

Đồng ý tăng lương hưu theo phương án 2 để góp phần cải thiện thêm điều kiện đời sống của người nghỉ hưu nhưng các chuyên gia lao động cho rằng việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp xã hội phải gắn với chính sách tiền lương của cả nước. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, trước khi tăng lương hưu, cần phải tính toán và cân nhắc nhiều yếu tố. Điều quan trọng là Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương cần phải xác định rõ lộ trình, thời điểm, mức điều chỉnh lương hưu với các chính sách người có công khác, tiền lương của nhóm đối tượng đang làm việc và các mối quan hệ này phải hài hòa.

Một vấn đề được đặt ra là nhiều người có mức lương hưu thấp, lại có vấn đề về sức khỏe nên cuộc sống khó khăn, nhất là từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì thế, đồng ý với đề xuất phương án 2 nhưng PGS.TS Dương Văn Sao cho rằng, trước mắt giải quyết cho những người hưởng lương hưu thấp có cuộc sống khó khăn được tăng lương để bảo đảm mức sống tối thiểu của người về hưu, như Bộ LĐTB&XH đã đưa ra giải pháp. Cụ thể, đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh mà có mức lương hưu, trợ cấp thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng thì được tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với người có mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng. Sau khi cải cách chính sách tiền lương cho công chức, viên chức thì xem xét những bất hợp lý của lương hưu để tháo gỡ, bổ sung. Như vậy, sẽ thực hiện một nhiệm vụ được hai mục đích.
Các nhóm đối tượng được Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng, bao gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an Nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, Nghị định số 09/1998/NĐ-CP; Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP và Quyết định số 111-HĐBT...