Tăng mức xử phạt đối với “ma men”: Nhiều chuyển biến tích cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một tuần triển khai đợt cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông theo Nghị định 46 (16 - 22/8), tình hình trật tự ATGT trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Những thay đổi đó đến từ những con số về TNGT cũng như ý thức của người dân. Mặc dù vẫn có những ý kiến cho rằng mức phạt trên là quá nặng, tuy nhiên khẳng định đây là việc làm cần thiết.

Những con số biết nói

Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, sau một tuần triển khai đợt cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, TNGT trên địa bàn TP đã được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Cụ thể, so với cùng kỳ giảm 2 vụ, giảm 3 người chết, giảm 6 người bị thương. Đặc biệt, TNGT liên quan đến rượu bia giảm mạnh so với cả cùng kỳ và liền kề. Trong đó, so với cùng kỳ giảm 2 vụ, giảm 2 người chết, giảm 1 người bị thương và so với liền kề giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, bằng số người bị thương. Đồng thời, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn TP trong thời gian thực hiện kế hoạch tiếp tục được duy trì ổn định, ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông được nâng cao.
Lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, tại các khu vực tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu tại Hà Nội như đường Dương Đình Nghệ, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), Lê Đức Thọ (quận Bắc Từ Liêm)…, thời điểm lực lượng CSGT không lập chốt xử lý “ma men”, tình trạng thực khách đã “chân nam đá chân chiêu” nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện đã giảm hẳn so với trước đây. Anh Nguyễn Văn Tùng - một lái xe taxi hãng ACB cho biết, từ ngày CSGT phạt nặng người điều khiển phương tiện, cánh lái xe taxi, xe ôm... có thêm nhiều việc để làm. Không chỉ cánh lái xe taxi, xe ôm, bản thân những người tham gia giao thông cũng ủng hộ chiến dịch này. Anh Bùi Văn Cường, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho biết, đã từ lâu, tình trạng người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Do đó, tăng cường xử phạt và phạt nặng là việc làm cần thiết để hạn chế những vụ TNGT có thể xảy ra liên quan đến rượu bia.

Quán nhậu tiếp tay cho “ma men”

Là đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ xử lý “ma men”, Trung tá Vũ Văn Ngoại – Đội phó Đội CSGT số 2, Phòng CSGT cho biết, so với thời điểm trước khi áp dụng Nghị định 46, đến nay tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã giảm đáng kể.

Trong tổng số hơn 20 vụ vi phạm nồng độ cồn mà Đội CSGT số 2 đã xử lý thì chủ yếu là xe máy. Lý giải về điều này, Trung tá Ngoại cho biết, theo quy định người điều khiển xe máy điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ còn vượt quá 0,25mg/lít khí thở mới bị xử lý. Tuy nhiên, do chủ quan, không lượng được uống bao nhiêu sẽ bị xử phạt nên dù mốc bị xử phạt khá cao nhưng số người bị xử phạt vẫn nhiều. Trong khi đó, đối với người điều khiển xe ô tô cứ có nồng độ còn là bị xử phạt, thậm chí là phạt rất nặng nên nhiều người đã biết sợ.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù kế hoạch xử lý “ma men” đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân nhưng bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp đang cố tình đi ngược lại chủ trương trên. Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm tra, nhiều trường hợp vi phạm thường ngụy biện các lý do khác nhau để không hợp tác với yêu cầu kiểm tra của lực lượng CSGT, nhằm trì hoãn việc kiểm tra về nồng độ cồn hoặc bỏ đi, để lại phương tiện, làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả công tác của lực lượng chức năng. Thậm chí, nhiều quán ăn, nhà hàng… sau khi thấy lực lượng CSGT bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoặc phát hiện cán bộ hóa trang thông báo bộ đàm thì thông báo cho khách hàng để có biện pháp trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Từ ngày 16  - 22/8, Phòng CSGT, Công an TP đã xử lý 201 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 201 phương tiện. Trong đó, các hành vi vi phạm tập trung vào các lỗi như: Vi phạm nồng độ cồn 198 trường hợp; không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn 3 trường hợp; không có đăng ký xe 9 trường hợp; không có giấy phép lái xe 8 trường hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần