Tăng niềm tin cho nhà đầu tư PPP

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huy động nguồn lực xã hội theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được coi như một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn. Thế nhưng cơ chế hiện nay còn nhiều bất cập.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Hùng
Tại nhiều Diễn đàn như: Diễn đàn DN Việt Nam thường niên, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Hà Nội hay Diễn đàn Phát triển (VBF)… không ít ý kiến cho rằng, nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước không thiếu, thị trường vốn Việt Nam khá lớn, các hình thức, phương án đầu tư cũng không thiếu, quan trọng nhất vẫn là cơ chế chưa đầy đủ để khơi thông, thu hút nguồn vốn này. 
Thời gian qua, với danh mục hàng loạt dự án như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hệ thống cảng biển nước sâu, cảng hàng không… nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng hấp dẫn, vì nhu cầu và khả năng chi trả của người sử dụng, là cơ sở để nhiều nhà đầu tư (NĐT) xin tham gia. Cũng đã từng có rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ… đến “gõ cửa” Bộ GTVT, nhưng tất cả đều dừng lại ở việc “ngắm” dự án, mà không hẹn ngày trở lại. Đến nay, hầu hết các DA giao thông mới chỉ thu hút được sự quan tâm của các NĐT trong nước.

Hình thức “đối tác công – tư” theo lẽ tự nhiên thì hai bên phải là những đối tác sòng phẳng, điều này đòi hỏi phải sớm hóa giải tư duy “xin – cho” để thay bằng quan điểm đồng hành cùng nhà đầu tư.

Chính phủ ban hành NĐ số 15/2015/NĐ-CP về PPP năm 2015. Ngay cả khi NĐ số 63/2018/NĐ-CP được ban hành thì vẫn còn những tồn tại cố hữu chưa thể giải quyết căn cơ như các ưu đãi và bảo đảm đầu tư, bố trí, cân đối vốn góp của Nhà nước, bảo lãnh vốn vay, doanh thu tối thiểu, chuyển đổi ngoại tệ… Bởi vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành một bộ luật về PPP là cấp thiết.

Điều mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đó là chính sách xử lý rủi ro được xác lập minh bạch ngay từ đầu bằng một văn bản pháp lý cao nhất, chứ không chỉ dừng ở mức Nghị định hay Thông tư. Khi thiết kế xây dựng Luật PPP, cơ quan soạn thảo cần hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch. Thay vì nhà đầu tư được chỉ định theo cơ chế xin - cho, cần đấu thầu công khai để chọn các nhà đầu tư có năng lực, vừa tiết kiệm vốn tham gia của Nhà nước, vừa giảm tối đa mức phí mà người sử dụng phải trả sau này. Và quan trọng nhất, để thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư, cần một nhận thức đồng bộ, tư duy đột phá, dám thay đổi của các cơ quan liên quan, đặc biệt phải từ bỏ được lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, tránh tình trạng “trên đưa chính sách, dưới nghĩ ra đối sách”. Việc chỉnh sửa sự lệch pha giữa cơ chế, chính sách trong nước với thông lệ quốc tế sẽ mở ra cơ hội để đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án hạ tầng giao thông lớn được triển khai theo hình thức PPP.