Tăng phí rút ATM: Ngân hàng ép chủ thẻ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai tháng kể từ khi NHNN yêu cầu các NHTM không được tăng phí rút tiền ATM nội mạng, một số ngân hàng lại áp dụng tăng phí trở lại. Trong khi số khác khẳng định, kế hoạch tăng phí rút tiền ATM nội mạng là không thay đổi, tuy nhiên chỉ cân nhắc lại thời điểm phù hợp hơn.

Bất hợp lý
Như mọi lần, lý do tăng phí ATM được các ngân hàng đưa ra là để bù đắp chi phí lỗ lớn cho mảng ATM. Theo một số ngân hàng, chi phí cho một giao dịch tại ATM các ngân hàng phải chi trả (gồm cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng) từ 7.000 - 10.000 đồng. Với mức phí ngoại mạng 3.000 đồng/giao dịch (chưa tính thuế) quá thấp, đặc biệt khi phải chia sẻ với Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) 1.350 đồng/giao dịch.
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất cập phí giao dịch liên mạng các ngân hàng cần phải tự giải quyết, không thể đè chủ thẻ ra để gánh chịu cho những bất cập trên. Ngay cả câu chuyện về giá vốn một giao dịch rút tiền ATM là 10.000 đồng cần có sự sòng phẳng và rõ ràng hơn . “Ngân hàng kinh doanh nhiều sản phẩm, dịch vụ, kèm theo chi lương qua tài khoản, việc tách riêng tính giá vốn ATM để tính chi phí liệu đã tính đúng, tính đủ, tính công bằng hay chưa?” - chuyên gia về thẻ Trần Quang Thoại đặt câu hỏi.
 Khách hàng rút tiền qua the ATM tại ngân hàng VIB.  Ảnh:  Việt Linh.
Đến cuối năm 2017, số lượng phát hành thẻ toàn hệ thống ngân hàng là 132 triệu thẻ. Với trên 77 triệu thẻ đang hoạt động, lượng vốn không kỳ hạn mà mỗi ngân hàng quy mô tương đối đang nắm giữ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Với nguồn vốn nhàn rỗi này, các ngân hàng không chỉ dùng để cho vay trên thị trường liên ngân hàng mà còn có thể linh hoạt sử dụng đầu tư vào trái phiếu hoặc cho khách hàng vay với lãi suất cao hơn nhiều, mang lại lợi nhuận rất lớn. Trong khi đó, lượng vốn trong tài khoản thẻ này, các ngân hàng cũng chỉ trả theo lãi suất không kỳ hạn, rất thấp. Chưa kể, nhiều khách hàng phàn nàn, ngân hàng còn giới hạn hạn mức tiền tối đa có thể rút ở mức 4 - 5 triệu đồng/lần nội mạng, ngoại mạng là 3 triệu đồng, dù đã có ngân hàng nâng lên 10 triệu đồng/lần từ lâu.
Người dùng chịu thiệt
Trao đổi với báo chí ngày 10/7, phía NHNN khẳng định, NHNN luôn nhất quán nguyên tắc việc tăng phí là quyền tự chủ của các ngân hàng thương mại theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch thông tin và hài hòa lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, tạo đồng thuận, chia sẻ của người sử dụng. Đồng thời cho biết, đã có yêu cầu các ngân hàng dừng kế hoạch tăng phí rút tiền ATM nội mạng tới đây, để xem xét lợi ích giữa các bên.
Theo các ngân hàng, việc tăng phí đợt này không chỉ giúp họ duy trì đầu tư, nâng cấp hệ thống và bù đắp một phần chi phí mà còn góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Một trong những mục tiêu của thẻ tín dụng, thẻ ATM… là để thanh toán, hạn chế rút tiền mặt. Tuy nhiên, thực tế hệ thống thanh toán hiện nay còn nhiều hạn chế và chỉ mới phổ biến tại một số đô thị lớn. Các cửa hàng bán lẻ rất ít máy cà thẻ (POS). Mặc dù phí cà thẻ đáng lẽ phải do bên đại lý trả nhưng thực tế khách hàng chính là người bị ép trả thêm từ 1,5 - 3% nếu muốn thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Ngoài ra, người dân còn lo ngại về tính bảo mật. Sau hàng loạt vụ mất tiền trong tài khoản, không ít khách hàng có tâm lý lo lắng về tính bảo mật và an toàn. Hiện nay, nhiều ngân hàng có công nghệ còn khá lạc hậu và thô sơ. Mặc dù các ngân hàng đã cảnh báo khách hàng không truy cập vào trang web giả tránh bị hacker tấn công tài khoản nhưng không ít khách hàng truy cập các trang web lạ và bị kẻ xấu đánh cắp thông tin thẻ tín dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần