Tăng phối hợp giám sát, phản biện xã hội với dự án luật

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng, phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, pháp lệnh, đó là một trong những nội dung phối hợp công tác năm 2017 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thống nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị.

Theo đó, hai bên tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp thực hiện các hoạt động tham gia xây dựng, góp ý, phản biện xã hội đối với dự án luật, pháp lệnh liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức bộ máy Nhà nước; quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Trong phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐB Quốc hội, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, trong nhiệm kỳ mới, hai cơ quan cũng thống nhất phối hợp hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp, các Đoàn ĐB Quốc hội tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước trình Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị…
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hai cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thường xuyên hơn để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Tập trung thực hiện một số vấn đề trọng tâm như: Thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với công tác xây dựng pháp luật, nhất là các vấn đề về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tổ chức, bộ máy Nhà nước. Phối hợp, thảo luận Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, trên cơ sở đó để lựa chọn vấn đề chất vấn tại Kỳ họp của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ phối hợp, tạo điều kiện để các thành viên trong Đoàn Chủ tịch, các thành viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tham gia thường xuyên đối với các hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTV Quốc hội.